Cách đây vài năm, khi con gái đi học, mình bắt đầu đọc sách về tâm lý (psychology). Đến nay, mình đã đọc được khoảng 30 quyển và có được một cái nhìn tương đối tổng quát về quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, psychology là một lĩnh vực thay đổi rất nhanh, nên kiến thức trong bài này cũng sẽ được cập nhật thường xuyên.
Mình muốn nhấn mạnh một điểm ngay từ đầu: không có cẩm nang dạy trẻ từ A-Z. Tuy nhiên, vẫn có những nguyên tắc nền tảng. Dựa vào đây, ai cũng có thể tự vạch ra phương pháp dạy phù hợp cho con mình.
Bài viết này là một bức tranh chưa đầy đủ, vì vẫn còn nhiều mảnh ghép mình vẫn đang tìm kiếm. Tuy nhiên, mình cũng muốn chia sẻ ở đây để mọi người có thể tự tìm kiếm mảnh ghép cần thiết của mình.
Chỉ riêng trên Amazon, có hơn 70,000 đầu sách về giáo dục trẻ.
Do đó, mình tự đặt ra một số nguyên tắc để tìm kiếm:
- Tìm gốc, không tìm ngọn: chỉ tìm hiểu kiến thức nền tảng của quá trình phát triển, đặc biệt là psychology/neuroscience (tâm lý/não bộ). Những loại sách này thiên về lý thuyết, nên không thể ứng dụng ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu kiến thức nền tảng này, bạn có thể ứng dụng linh hoạt trong mọi tình huống.
- Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ trở thành người lớn, có khả năng tự lập và đi con đường riêng của mình. Do đó phần lớn kiến thức mình tìm hiểu đều có thể áp dụng cho tất cả lứa tuổi.
- Psychology/neuroscience: sách có trích dẫn khoa học rõ ràng, xuất bản trong vòng 10-20 năm trở lại, vì có rất nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây.
- Khoa học gia có tiếng trong lĩnh vực của mình, có nhiều nghiên cứu đã đăng tải.
- 3-5 quyển mỗi chủ đề: với mỗi chủ đề, mình cố gắng đọc từ nhiều tác giả khác nhau để có cái nhìn tương đối rộng. Vì kiến thức ngày nay rất rộng, các chuyên gia hàng đầu cũng chỉ có thể giỏi trong một lĩnh vực hẹp của mình.
- Trích dẫn nguồn: trong các sách chuyên môn thường có dẫn nguồn đến các sách khác. Đây cũng là một nguồn quan trọng để mở rộng kiến thức, vì thường sách chuyên môn rất ít người đọc.
- Tóm tắt sau khi đọc: để ghi nhớ, cách tốt nhất là tóm tắt lại sách bằng từ ngữ của mình.
- Bỏ qua những cuốn “Dạy con kiểu… Anh/Pháp/Đức/Nhật/Do Thái/Trung Quốc/Free-range.” hoặc kinh nghiệm cá nhân, vì những lời khuyên trong này rất khó áp dụng cho các hoàn cảnh, tình huống, gia đình, xã hội khác.
Tâm lý học ứng dụng
Tâm lý học ngày nay có rất nhiều lĩnh vực. Do vậy, mình chỉ tìm hiểu một số lĩnh vực theo mình có thể ứng dụng được:
- Positive Psychology (tâm lý học tích cực): đây là một trong những nhánh mới nhất, tập trung vào nghiên cứu những thứ tác động đến hạnh phúc (well-being, happiness) của con người: lạc quan, lòng biết ơn, tốt bụng,…
- Cognitive Psychology (tâm lý học nhận thức): nghiên cứu các hoạt động nhận thức như: tập trung, ngôn ngữ, nhận thức, trí nhớ, giải quyết vấn đề, sáng tạo và suy nghĩ. Hiểu biết trong lĩnh vực này sẽ giúp trẻ nâng cao năng lực bản thân để có cơ hội thành công hơn.
- Developmental Psychology (tâm lý học phát triển): nghiên cứu về quá trình phát triển và thay đổi tâm lý qua các độ tuổi.
- Personality Psychology (tâm lý học cá tính): nghiên cứu tính cách và sự khác biệt giữa các cá nhân, vì mỗi đứa trẻ/cha mẹ có một cá tính khác nhau. Đồng thời phong cách dạy con của mỗi cha mẹ cũng khác nhau.
- Baumrind’s Parenting Styles (phong cách dạy con): là một mô hình phân loại các phong cách dạy con. Trong đó, phong cách dân chủ (democratic/authoritative) có tác động tích cực nhất đến trẻ.
- Big Five (OCEAN) (cá tính) là một framework phân loại được chấp nhận rộng rãi nhất.
- HEXACO là mô hình mở rộng dựa trên OCEAN, nhưng bổ sung thêm một trục Honesty-Humility (thành thật-khiêm tốn).
- Myers–Briggs Type Indicator (MBTI) : mô hình phân loại thường được các công ty sử dụng để đánh giá nhân viên là một mô hình giả khoa học (pseudoscience), có hại hơn có lợi .
Parenting Styles
Trước tiên, bạn cần xác định phong cách dạy con của mình. Vì chúng có mối liên hệ mật thiết đến quá trình phát triển của trẻ. Mô hình này có 2 trục chính:
- Demandingness: mức độ cha mẹ đặt yêu cầu hay kỳ vọng ở trẻ
- Responsiveness: mức độ phản hồi của cha mẹ đối với trẻ
Từ đó, mô hình chia làm bốn phong cách dạy con khác nhau:
- Authoritative/Democratic (dân chủ): kỳ vọng cao, phản hồi cao. Đưa ra các nguyên tắc/giới hạn rõ ràng, nhưng sẵn sàng giải thích và linh động thảo luận với trẻ. Khi trẻ không vâng lời, họ xem đó là cơ hội để giải thích cho trẻ hiểu, chứ không phải trừng phạt. Trẻ được giáo dục theo cách này thường hạnh phúc và hoà đồng nhất, đồng thời khả năng thành công trong công việc cũng khá cao.
- Authoritarian (độc tài): kỳ vọng cao, phản hồi thấp. Đưa ra các nguyên tắc buộc trẻ phải tuân thủ mà không giải thích. Thường phạt nặng khi trẻ không vâng lời. Mặc dù trẻ được giáo dục theo cách này thường thành công trong công việc, chúng không mấy khi hạnh phúc.
- Một cực đoan trong nhóm này là Helicopter (bảo bọc): theo trẻ từng li từng tí, không để chuyện gì xảy ra với chúng,… Trẻ dần dần sẽ đánh mất khả năng tự lập cũng như suy nghĩ của mình.
- Permissive (thụ động): kỳ vọng thấp, phản hồi cao. Thường khá dễ dãi với trẻ, xem chúng như bạn bè. Ít đặt ra các nguyên tắc và không kỳ vọng nhiều. Trẻ được dạy theo cách này thường gặp rắc rối với môi trường có nhiều nguyên tắc như trường học hoặc công sở.
- Uninvolved (bỏ mặc): kỳ vọng thấp, phản hồi thấp. Ngoài việc đảm bảo ăn mặc thì họ hầu như không quan tâm gì đến việc dạy dỗ. Trẻ được “dạy” theo cách này thường gặp vấn đề về tự chủ, tự tin và hạnh phúc.
Nhìn vào bảng trên, bạn có thể dễ dàng nhận thấy phong cách nào mang lại kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, cái này nói thì dễ hơn làm, vì không phải lúc nào mình cũng đủ bình tĩnh hay kiên nhẫn để áp dụng. Nên xem cách phân loại này như một mục tiêu để hướng đến.
Bạn có thể tham khảo thêm quyển The 10 Basic Principles of Good Parenting (10 Nguyên Tắc Cơ Bản Để Dạy Con Tốt) để có những lời khuyên thực tế.
There is a Right and Wrong Way to Parent
Big Five (OCEAN)
Kế đến, bạn cần hiểu cá tính của trẻ (và bản thân). Bởi ~50% cá tính được quyết định bởi gien, 50% còn lại được quyết định bởi môi trường. Do đó, bạn chỉ có thể tác động một phần đến cá tính của trẻ. Bạn có thể tự kiểm tra tính cách trên truity.com , có 2 bài trắc nghiệm: 60 câu & 300 câu. Bài này hoàn toàn dựa vào đánh giá chủ quan của bạn.
Tạm thời mình chỉ sao chép lại nội dung đã dịch trên beautifulmindvn.com , bạn có thể tham khảo bài viết chi tiết trên đó.
- Openness to Experience — Sẵn sàng trải nghiệm. Sáng tạo/hiếu kỳ vs. kiên định/chắc chắn. Thích phiêu lưu trải nghiệm, trân trọng nghệ thuật, hiếu kỳ, có những ý tưởng độc đáo, có óc thẩm mỹ… là các đặc điểm của mặt tính cách này. Những người có điểm cao ở mặt này thường rất khó dự đoán và không tập trung.
Người có điểm thấp ở mặt này thường thực dụng, võ đoán và làm việc theo dữ liệu, đôi lúc thường được mô tả như quyết đoán và cứng nhắc. - Conscientiousness — Tận tâm. Hiệu quả/thiết lập vs. dễ dãi/ bất cẩn. Xu hướng làm việc theo hệ thống và đáng tin cậy, có kỷ luật cho bản thân mình, có trách nhiệm với công việc và thường lên kế hoạch mọi thứ trước hơn là hành động bộc phát bốc đồng. Người có điểm cao ở mặt này thường có mong muốn hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất, và thường đặt ra mục tiêu để đạt được những thành tựu trong công việc. Những đặc điểm tính cách của họ bao gồm ngăn nắp, có hệ thống, cẩn thận, hoàn hảo, suy tính thiệt hơn.
- Extraversion — Hướng ngoại. Hòa đồng/mạnh mẽ vs. đơn độc/kín đáo. Người hướng ngoại thường rất hăng hái, nhiệt tình, theo trường phái hành động, làm trước nghĩ sau, thích nói chuyện và khẳng định mình. Thường thì những người này được miêu tả như tràn trề sức sống và rất tích cực.
Ở thái cực khác, người hướng nội cần ít sự kích thích và cần nhiều thời gian ở một mình hơn người hướng ngoại. Điều này không có nghĩa là họ không thân thiện hay phản xã hội mà là họ thường kín đáo hơn trong các tình huống xã hội. Họ cũng thích những công việc có chiều sâu hơn chiều rộng. - Agreeableness — Dễ chịu. Thân thiện/có lòng trắc ẩn vs. cứng nhắc/tách biệt. Những đặc điểm hành vi của mặt tính cách này được coi là tốt bụng, thông cảm, hợp tác, ấm áp và quan tâm. Những người có điểm cao ở mặt này thường có xu hướng tin rằng đa phần mọi người rất trung thực, tốt bụng và đáng tin cậy. Họ thường có lòng vị tha và hay giúp đỡ người khác.
- Neuroticism — Bất ổn. Nhạy cảm/hoảng sợ vs. vững chắc/tự tin. Xu hướng dễ trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực ví dụ như giận dữ, lo âu, trầm cảm, dễ tổn thương. Những người có điểm cao ở mặt này thường trải nghiệm những cảm xúc u uất, trầm cảm, giận dữ, lo sợ, tội lỗi, và ganh ghét cao hơn người thường.
Ngược lại, những người có chỉ số thấp thường có cảm xúc vững chãi hơn, ít dao động và ít phản ứng với stress hơn. Họ thường có xu hướng bình tĩnh, không nóng nảy, và ít khi cảm thấy căng thẳng. Những người có điểm tâm lý bất ổn thấp (đặc biệt với những người hướng ngoại) thì có những báo cáo cho thấy họ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình hơn.
P.E.R.M.A
Để hệ thống hoá các kiến thức này, cần có một framework để kết nối các nội dung lại với nhau. Ở đây, mình dùng framework P.E.R.M.A do tiến sĩ Martin Seligman , cha đẻ của positive psychology, đề xuất trong quyển Flourish.
- Positive emotion — Cảm xúc tích cực, không chỉ đơn giản là vui vẻ (joy), mà còn nhiều cảm giác tích cực khác: thưởng thức (savoring), biết ơn (gratitude), tốt bụng (kindness), lạc quan (optimistic), hào hứng (excitement),…
- Engagement — Chú tâm vào những gì mình đang làm. Khi “đắm mình” vào công việc, chúng ta sẽ rơi vào một trạng thái gọi là “flow“. Trạng thái này thường gặp nhất khi đang chơi những môn thể thao đối kháng, hoặc trò chơi với một đối thủ xứng tầm.
- Relationships — Có những mối quan hệ tích cực. Cảm xúc tích cực có liên hệ mật thiết với các mối quan hệ. Vì nhiều cảm xúc tích cực chúng ta gặp thường xảy ra trong giao tiếp với người khác.
- Meaning — Có một mục đích sống. Mỗi người có một mục đích sống khác nhau. Do đó, tìm mục đích sống cho mình là một câu hỏi thường trực trong mỗi chặng đường đời: công việc, gia đình, con cái, địa vị, tiền bạc, giúp ích cho xã hội…
- Accomplishment — Theo đuổi thành công (success) và hiểu biết (mastery) của riêng mình. Luôn đặt ra những mục tiêu cá nhân để không ngừng theo đuổi là một trong những động cơ của con người. Đó có thể là những kỹ năng trong công việc, hoặc những thú vui riêng.