Laurence Steinberg, Ph.D, one of the world’s leading experts on adolescence, is a Distinguished University Professor and the Laura H. Carnell Professor of Psychology at Temple University. He taught previously at Cornell University, the University of California, Irvine, and the University of Wisconsin, Madison. Dr. Steinberg is the author of nearly 500 articles and essays on development during the teenage years, and the author, co-author, or editor of 17 books.

Phần lớn cha mẹ đều không gặp vấn đề gì khi nuôi nấng con cái dựa vào bản năng tự nhiên của mình. Tuy nhiên, liệu có khi nào bạn tự hỏi có cách nào dạy con tốt hơn không? Tâm lý học có tìm ra những nguyên tắc nuôi dạy tốt nhất hay không?

Mặc dù không có một công thức chung, vì mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, tất cả đều có ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy. Nhưng vẫn có những nguyên tắc cơ bản có thể áp dụng ở mọi lứa tuổi, giới tính, hoàn cảnh, xã hội, quốc gia,…

Trong quyển sách ngắn này, TS. Laurence Steinberg đúc kết nghiên cứu trong hàng chục năm qua (với hàng trăm ngàn gia đình), giải thích các nguyên tắc nền tảng để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc, có trách nhiệm, hoà nhập với xã hội, thành công trong trường học cũng như cuộc sống,… từ sơ sinh đến trưởng thành.

Có thể xem sách này như một kim chỉ nam , giúp bạn tìm thấy hướng đi đúng trong quá trình giáo dục trẻ.

Tại sao đánh giá cao?

Mặc dù sách này không có nhiều người đọc và đánh giá trên Goodreads.com, nhưng mình vẫn đánh giá cao quyển này bởi một số lý do:Cá nhân mình thấy sách chăm sóc con ở Việt Nam rất nhiều, nhưng tập trung vào những năm đầu đời (ăn uống, tắm giặt,…) dựa vào kinh nghiệm cá nhân, hoặc 101 mẹo chăm sóc các kiểu mà ít khi dựa vào khoa học. Chưa kể các kiểu dạy con theo Mỹ, Nhật, Đức, Do Thái, Pháp,… rất khó áp dụng vì môi trường sống là một phần quan trọng trong giáo dục trẻ.

  • Được giới thiệu bởi Authentic Happiness , sáng lập bởi TS. Martin Segliman , cha đẻ của Tâm lý học Tích cực.
  • TS. Laurence Steinberg  là một chuyên gia hàng đầu trong Tâm lý học Phát triển.
  • Sách cô đọng và ngắn gọn, nhắm đến độc giả phổ thông.
  • Các nguyên tắc đều dựa trên khoa học, không phải kinh nghiệm cá nhân.
  • Các nguyên lý nuôi dạy con vẫn nhất quán sau hàng thập kỷ nghiên cứu.
About

10 Nguyên tắc Cơ bản cho các bậc cha mẹ để có thể nuôi dạy trẻ tốt nhất trong khả năng của mình. Các nguyên tắc này dựa vào các nghiên cứu khoa học trong hàng chục năm qua, và hầu như không đổi sau nhiều thập kỷ.

10 Nguyên tắc Cơ bản

10 Nguyên tắc Cơ bản để Dạy trẻ

Thoạt nhìn qua, các nguyên tắc này có vẻ hợp lý, nhưng không phải cha mẹ nào cũng áp dụng, chưa kể thường xuyên vi phạm các nguyên tắc này.

1. Bạn có Tác động lớn đến Trẻ

Mỗi hành động hay lời nói của cha mẹ đều có tác động đến trẻ. Do đó, cha mẹ nên suy nghĩ trước khi nói, không nên chỉ phản ứng tức thời với hành động của trẻ.

Nên tự hỏi: “Mình muốn con mình học được điều gì từ việc này?

2. Đừng Sợ Thương Con Quá mức

Không có cha mẹ nào thương con quá mức cả. Đừng sợ rằng thương trẻ sẽ làm hư chúng. Cái làm trẻ hư thường là những thứ thường dùng để bù đắp cho tình thương: dễ dãi với trẻ, không đặt kỳ vọng cao, sao cũng được, bù đắp bằng vật chất.

3. Quan tâm đến Cuộc sống của Tr

Làm cha mẹ là một công việc chiếm nhiều thời gianthách thức. Cha mẹ cần phải dành thời gian cho trẻ và lớn lên cùng với chúng (đừng quên tận hưởng quá trình trưởng thành của chúng).

Trước lúc nhắm mắt, liệu có ai hối hận rằng mình không chịu làm việc nhiều hơn?

4. Điều chỉnh để Thích ứng với Trẻ

Mỗi đứa trẻ đều trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Cha mẹ phải thay đổi phong cách dạy con để có thể thích ứng với biến đổi tâm lý này.

Các mốc phát triển chính: ba, sáu, mười hai và mười sáu. Bạn cần chuẩn bị trước khi con bạn đến các mốc này, đừng để quá trễ.

5. Đưa ra Quy định và Giới hạn

Việc đưa ra các quy địnhgiới hạn sẽ giúp trẻ học cách tự kiểm soát mình, và cần mất nhiều năm trẻ mới có thể biến các quy định từ bên ngoài thành kỹ năng tự kiểm soát.

Đồng thời quy định rõ ràng sẽ tạo một môi trường an toàn ở nhà.

6. Giúp Trẻ Trở nên Độc lập

Tất cả mọi đứa trẻ đều mong muốn tự mình thực hiện (autonomy) mọi thứ, đây là nhu cầu cơ bản của con người.

Nhiệm vụ của cha mẹ là dần mở rộng các giới hạn, giảm bớt các luật lệ, giúp trẻ ngày càng tự tin và có trách nhiệm trong các quyết định của mình.

7. Luôn Nhất quán

Các quy định nên nhất quán, nếu không, chúng sẽ không còn tác dụng.
Tuy nhiên, cũng không nên quá cứng nhắc mà cần phải xem xét tình hình cụ thể, đặc biệt khi trẻ lớn dần, các luật lệ cần theo đó mà điều chỉnh.

8. Tránh Trừng phạt Nặng nề

Về cơ bản có 3 cách để thay đổi hành vi của trẻ: trừng phạt trẻ, thưởng trẻ để khuyến khích hành vi đúng, hoặc giải thích cho trẻ hiểu.

Tuy nhiên, không bao giờ trừng phạt bằng cách đánh trẻ hoặc xúc phạm trẻ bằng lời nói.

9. Giải thích Quy định và Quyết định

Khi đưa ra các quy định, cha mẹ nên rõ ràng, tránh mập mờ và giải thích cho trẻ hiểu rõ tại sao. Nếu có thể, nên có ý kiến đóng góp từ phía trẻ, vì trẻ sẽ dễ tuân thủ nếu luật lệ đó có góp ý của chúng.

10. Luôn Tôn trọng Trẻ

Nếu cha mẹ muốn trẻ tôn trọng mình, cách đơn giản nhất là tôn trọng trẻ. Trẻ được đối xử tôn trọng sẽ đối xử như vậy với người khác.

Chỉ khi trẻ được tôn trọng, chúng mới có thể bày tỏ suy nghĩ của mình, và cha mẹ mới có thể hướng dẫn cách suy nghĩ của chúng.

Bốn Phong Cách Cha Mẹ

Bốn Phong Cách Cha Mẹ

  • Authoritative/Democratic (dân chủ): kỳ vọng cao, phản hồi cao. Đưa ra các nguyên tắc/giới hạn rõ ràng, nhưng sẵn sàng giải thích và linh động thảo luận với trẻ. Khi trẻ không vâng lời, họ xem đó là cơ hội để giải thích cho trẻ hiểu, chứ không phải trừng phạt. Trẻ được giáo dục theo cách này thường hạnh phúchoà đồng nhất, đồng thời khả năng thành công trong công việc cũng khá cao.
  • Authoritarian (độc tài): kỳ vọng cao, phản hồi thấp. Đưa ra các nguyên tắc buộc trẻ phải tuân thủ mà không giải thích. Thường phạt nặng khi trẻ không vâng lời. Mặc dù trẻ được giáo dục theo cách này thường thành công trong công việc, chúng không mấy khi hạnh phúc.
    • Một cực đoan trong nhóm này là Helicopter (bảo bọc): theo trẻ từng li từng tí, không để chuyện gì xảy ra với chúng,… Trẻ dần dần sẽ đánh mất khả năng tự lập cũng như suy nghĩ của mình.
  • Permissive (thụ động): kỳ vọng thấp, phản hồi cao. Thường khá dễ dãi với trẻ, xem chúng như bạn bè. Ít đặt ra các nguyên tắc và không kỳ vọng nhiều. Trẻ được dạy theo cách này thường gặp rắc rối với môi trường có nhiều nguyên tắc như trường học hoặc công sở.
  • Uninvolved (bỏ mặc): kỳ vọng thấp, phản hồi thấp. Ngoài việc đảm bảo ăn mặc thì họ hầu như không quan tâm gì đến việc dạy dỗ. Trẻ được “dạy” theo cách này thường gặp vấn đề về tự chủ, tự tin và hạnh phúc.
There is a Right and Wrong Way to Parent

Nhìn vào bảng trên, bạn có thể dễ dàng nhận thấy phong cách nào mang lại kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, cái này nói thì dễ hơn làm, vì không phải lúc nào mình cũng đủ bình tĩnh hay kiên nhẫn để áp dụng. Nên xem cách phân loại này như một mục tiêu để hướng đến.

1. Bạn có Tác động lớn đến Trẻ

Bạn có Tác động lớn đến Trẻ

Mỗi hành động hay lời nói của cha mẹ đều có tác động đến trẻ. Do đó, cha mẹ nên suy nghĩ trước khi nói, không nên chỉ phản ứng tức thời với hành động của trẻ.

Mình muốn con mình học được điều gì từ việc này?

Luôn Để Tâm (be a mindful parent)

Luôn để tâm” ở đây có nghĩa là lời nói hay hành động của bạn với trẻ đều có suy nghĩ trước, chứ không chỉ là phản ứng tức thời trước hành vi của trẻ.

Dĩ nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể suy nghĩ trước mọi tình huống. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hành động hay lời nói của bạn đều có những nguyên tắc nền tảng bên dưới, không phải ngẫu nhiên, lúc này lúc khác.

Cũng như tất cả các thói quen, “luôn để tâm” cần phải có thời gian để trở thành thói quen: suy nghĩ trước khi phản ứng.

Phần nhiều cha mẹ đều cho rằng nuôi con là hoạt động tự nhiên, không cần phải “nghiên cứu” hay học hỏi. Và ngạc nhiên khi thấy chúng lớn lên hoàn toàn không như ý mình.

Gien không Quyết định Tất cả

Dân gian có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Nhưng điều này chỉ đúng 50%.

Tính cách của con người chịu tác động đồng thời bởi cả hai yếu tố: nature & nurture (tự nhiên-gien và môi trường lớn lên). Nhưng chịu tác động không đồng nghĩa với bị quyết định bởi gien.

Một đứa trẻ hướng nội dĩ nhiên sẽ khó trở nên hướng ngoại hoàn toàn. Một đứa trẻ e thẹn sẽ cần được khuyến khích nhiều hơn, một đứa trẻ quá khích sẽ phải học cách kiểm soát hành vi của mình.

Nhưng bạn hoàn toàn có thể tạo ảnh hưởng lên trẻ: cá tính, sở thích, tính cách, trí tuệ, thái độ, giá trị sống,…

Trẻ Học qua Quan sát

Dù muốn hay không, con cái sẽ luôn quan sát và bắt chước hành vi của bạn.

Nếu cha mẹ lớn tiếng cãi nhau, thậm chí dùng tay chân, trẻ sẽ cho rằng đó là phương pháp giải quyết xung đột và áp dụng chúng với bạn bè mình.

Bên cạnh đó, trẻ thường có xu hướng muốn lớn lên giống cha/mẹ mình. Vì thế, chúng luôn theo dõi và bắt chước hành vi của cha mẹ, mà đôi khi cha mẹ không để ý.

Do vậy, cách tốt nhất để dạy trẻ là làm gương cho chúng: bạn không thể bắt trẻ ăn uống lành mạnh nếu bản thân không ăn uống lành mạnh. Lời nói của bạn chỉ có giá trị khi đi đôi với việc làm của mình.

Kiểm soát Ảnh hưởng Bên ngoài

Như nói ở trên, bạn có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, nhưng không có nghĩa bạn là ảnh hưởng duy nhất. Bạn bè, nhà trường, thần tượng âm nhạc, facebook, tik tok,… đều có khả năng ảnh hưởng đến trẻ.

Tuy nhiên, không nên đổ lỗi tất cả vào ảnh hưởng của bạn bè hay mạng xã hội, vì bạn vẫn có thể tác động đến sự lựa chọn của trẻ: bạn bè, hoặc những gì chúng nghe hoặc xem.

Bạn có thể gián tiếp ảnh hưởng đến bạn bè của trẻ qua sở thích của chúng, đặc biệt các hoạt động ngoại khoá mà trẻ thích: thể thao, âm nhạc, hội hoạ,… Bởi ở đó, chúng sẽ gặp những bạn bè cùng sở thích, ít có cơ hội gặp bạn xấu hơn là để mặc chúng tự do.

Tương tự với thiết bị điện tử/iPad/tivi, khuyến cáo của Hiệp hội Bác sĩ Mỹ (AAP)  là:

  • Dưới 2 tuổi: không nên dùng, độ tuổi này cần tiếp xúc với người thật, nếu không khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ chậm phát triển
  • Từ 2-5 tuổi: 1 giờ/ngày
  • Trên 5 tuổi: 2 giờ/ngày

Cha mẹ cần nắm bắt các công nghệ mới để có thể quản lý thời gian sử dụng của trẻ: Apple Screen Time
Screen Time

  • Không nên để TV trong phòng riêng của trẻ.
  • Nên giới hạn thời gian xem phim/TV/chơi game của trẻ.
  • Mình dùng tính năng Screen Time  trên Apple iPad để kiểm soát thời gian/ứng dụng sử dụng của trẻ.

Học từ Sai lầm của Chính Mình

Không cha mẹ nào có thể hoàn hảo 100%, đặc biệt sau một ngày làm việc dài căng thẳng mà nghe con cái mè nheo. Đừng quá lo lắng nếu mắc sai lầm. Điều quan trọng là mình có thể học được gì từ đó và trở nên tốt hơn.

Bạn nên xin lỗi trẻ nếu thật sự phạm sai lầm. Trẻ sẽ hiểu rằng bạn xem trọng ý kiến của chúng và dễ dàng trao đổi với bạn.

Do quá mệt nên la chúng vì một lỗi không đáng, hoặc thay đổi quyết định theo ý của trẻ.

Mình có giao ước với con gái, nếu mình bắt đầu tỏ vẻ nóng nảy khi dạy thì bé sẽ nhắc nhở mình, vì đôi khi mình không nhận ra đang bắt đầu lên giọng.

2. Đừng Sợ Thương Con Quá mức

Đừng Sợ Thương Con Quá mức

Không cha mẹ nào thương con quá mức cả. Đừng sợ rằng thương trẻ sẽ làm hư chúng.

Cái làm trẻ hư thường là những thứ thường dùng để bù đắp cho tình thương: dễ dãi với trẻ, không đặt kỳ vọng cao, sao cũng được, bù đắp bằng vật chất.

Bạn Có thể làm Hư Trẻ bằng Tình yêu không?

Dân gian có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Đây cũng là một trong những vấn đề khi dạy con theo cảm tính, kinh nghiệm dân gian: cả hai đều sai.

Trừng phạt trẻ bằng vũ lực sẽ có nhiều hệ quả: trẻ sẽ tránh trừng phạt bằng mọi cách (lần sau che dấu tốt hơn, nói dối) và dùng bạo lực để giải quyết xung đột với bạn bè. Chưa kể chúng sẽ có xu hướng dùng bạo lực với con cái.

Tương tự, bạn không thể làm hư trẻ bằng tình yêu của mình. Cái làm hư trẻ là những cái dùng thể thay thế cho tình yêu: dễ dãi với trẻ (vì sợ chúng giận mình), không đặt kỳ vọng cao ở trẻ (muốn trẻ được tự do, thoải mái) hay dùng vật chất để bù đắp (vì không dành thời gian cho trẻ).

Nếu trẻ được yêu thương vô điều kiện (unconditioned love), chúng sẽ cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc, và thích nghi tốt hơn.

Khi em bé khóc, nhiều cha mẹ cho rằng dỗ chúng sẽ khiến chúng có thói quen khóc nhiều hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy điều ngược lại: em bé được dỗ khi khóc ngày càng trở nên ít khóc hơn.

Dĩ nhiên bạn vẫn có thể tặng quà hay mua đồ chơi đắt tiền cho trẻ, miễn là đừng dùng chúng để thay thế tình yêu.

Thể hiện Tình cảm bằng Tiếp xúc (physical affection)

Khi trẻ dần lớn lên, cha mẹ ngày càng ít tiếp xúc với trẻ, đặc biệt khi khác giới. Cha mẹ thường để ý nhiều đến phát triển trí óc, mà quên rằng nền tảng của quan hệ cha mẹ và con cái là tiếp xúc và cảm xúc.

Việc tiếp xúc cơ thể có ảnh hưởng tích cực về mặt cảm xúc, giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch cho cả cha mẹ và con cái.

Trong gia đình, người cha thường ít ôm ấp con cái (mình cũng vậy). May mắn là con gái mình vẫn còn thích được ôm mặc dù đã lớp 5.

Dĩ nhiên khi trẻ ngày càng lớn thì chúng càng muốn độc lập, nên cha mẹ cũng cần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.

Không ôm hôn chúng trước mặt bạn bè nếu chúng không thích.

Khen ngợi Trẻ khi đạt Thành tích

Khen ngợi trẻ khi chúng đạt thành tích sẽ giúp chúng hiểu được giá trị của nỗ lực để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý khi khen trẻ:

  1. Khen một thành tích cụ thể của trẻ, không gắn với tình cảm của bạn dành cho trẻ.
    “Con làm bài tập này tốt lắm.” vs. “Học giỏi như vậy thì mẹ mới thương chứ.”
  2. Khen ngợi nỗ lực của trẻ, không nên khen ngợi năng khiếu bẩm sinh. Khi gắn năng khiếu bẩm sinh với học tập, trẻ sẽ mau chóng bỏ cuộc khi thất bại.
    “Con gái làm sao giỏi toán được.”
  3. Khen ngợi chất lượng của thành tích, không phải điểm số. Nếu trẻ đạt điểm 8 so với điểm 6 trước đó đã là một thành công, không phải chờ đến 10 điểm mới khen trẻ.
  4. Đừng nên so sánh trẻ với bạn đồng lứa. Nếu phải so sánh, chỉ nên so sánh với thành tích trước đó của trẻ.
  5. Cuối cùng, đừng khen trẻ khi chúng thất bại.
    “Đừng buồn, con đã cố gắng hết sức!”.

    Thay vì đó, nên an ủi và giúp trẻ cải thiện thành tích.

Mindset – Tư Duy Phát Triển

Đáp ứng Nhu cầu Cảm xúc của Trẻ

Làm cha mẹ có thể nói là công việc nặng nhọc nhất mà không được trả lương. Nhưng ngoài các nhu cầu cơ bản, một trong những công việc quan trọng nhất của cha mẹ là đáp ứng nhu cầu cảm xúc của trẻ.

Một mặt, cảm giác bảo bọc trẻ là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, đôi lúc cha mẹ cũng cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt sau một ngày làm việc căng thẳng.

Để hiểu được cảm xúc của trẻ, bạn cần kiến thức chung về quá trình phát triển cảm xúc của trẻ.

  • Sơ sinh (<1t). Ở độ tuổi này, trẻ cần cảm giác an toàn: người quen, môi trường quen thuộc.
    Làm thế nào để trẻ cảm thấy an toàn?
  • Mới tập đi (1-3t). Trẻ bắt đầu hiểu chúng là một cá thể độc và bắt đầu muốn độc lập về hành vi. Do đó trẻ thường muốn làm theo cách của mình.
    Làm thế nào để trẻ cảm thấy có quyền kiểm soát nhiều hơn?
  • Mẫu giáo (4-6t). Trẻ bắt đầu khám phá nhiều hơn về thế giới bên ngoài và bắt đầu muốn trở thành người lớn, nhưng chúng hiểu rằng có một khoảng cách to lớn giữa những điều chúng muốn làm và có khả năng làm.
    Làm thế nào để trẻ cảm thấy trưởng thành hơn?
  • Cấp một (7-11t). Khi đến trường, trẻ sẽ thấy năng lực của mình thường xuyên bị đánh giá, không chỉ thầy cô, mà cả bạn bè, cha mẹ. Do đó chúng cần cảm thấy mình có khả năng.
    Làm thế nào để trẻ cảm thấy có khả năng hơn?
  • Dậy thì (~12-14t). Ở một góc độ, nhu cầu của trẻ ở tuổi này giống như 3t, độc lập. Tuy nhiên, trẻ không chỉ muốn độc lập về hành vi, mà độc lập cả về trí tuệ và cảm xúc. Chúng muốn có niềm tin, giá trị và suy nghĩ của riêng mình, chứ không phải những giá trị áp đặt từ phía cha mẹ.
    Làm thế nào để trẻ cảm thấy độc lập hơn?
  • Sau dậy thì (~15-16t). Trẻ bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về bản thân và muốn trở thành người như thế nào. Vai trò của cha mẹ là giúp trẻ hiểu rõ bản thân mình và giúp trẻ trở thành người chúng mong muốn.
    Làm thế nào để trẻ hiểu rõ bản thân hơn?

Mỗi giai đoạn đều có những nhu cầu và khó khăn riêng của nó. Do đó cha mẹ cần nhớ các mốc phát triển cảm xúc quan trọng này để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu cảm xúc của trẻ.

Nhà là Nơi An toàn

Trẻ cần cảm thấy nhà là nơi an toàn về cảm xúc, nơi trẻ có thể rũ bỏ áp lực từ môi trường bên ngoài. Chúng cần cảm thấy dù mọi chuyện có tệ hại đến mức nào, chúng vẫn có một nơi an toàn để quay về.

Trẻ lớn lên tốt nhất trong một gia đình bình yên, thoải mái, mọi người bày tỏ tình cảm của mình. Ngược lại, một môi trường cãi vã hay xung đột sẽ làm căng thẳng thêm cảm xúc của chúng.

3. Quan tâm đến Cuộc sống của Trẻ

Quan tâm đến Cuộc sống của Trẻ

Làm cha mẹ là một công việc chiếm nhiều thời gianthách thức. Cha mẹ cần phải dành thời gian cho trẻ và lớn lên cùng với chúng (đừng quên tận hưởng quá trình trưởng thành của chúng).

Trước lúc nhắm mắt, liệu có ai hối hận rằng mình không chịu làm việc nhiều hơn lúc con còn nhỏ?

Quan tâm đến Cuộc sống của Trẻ

  • Bạn có biết tên tất cả thầy cô giáo?
  • Bạn có biết bạn thân của trẻ là ai?
  • Trẻ đang học gì trong trường?
  • Trẻ đang đọc sách gì (hay có đọc sách không)?
  • Thần tượng của trẻ là ai? Phim và bài hát yêu thích của trẻ?
  • Nếu trẻ ở tuổi teen, bạn có biết chúng làm gì cuối tuần? Hay đi với ai?
  • Nếu trẻ có tiền, bạn có biết chúng dùng tiền vào việc gì không?
  • Bạn có trẻ đang vui hay buồn, lo lắng hay vô tư?

Một trong những yếu tố giúp tiên đoán sức khoẻ tinh thần, mức độ thích nghi, “hạnh phúc” (well-being) của trẻ là mức độ quan tâm của cha mẹ đối với cuộc sống của trẻ.

Dĩ nhiên, để quan tâm đến cuộc sống của trẻ, bạn phải bỏ thời gian ra với chúng. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng nhiều cha mẹ dành rất ít thời gian cho con mình. Nếu bạn không dành thời gian trò chuyện với chúng, bạn không thể nào nắm bắt được cuộc sống của chúng.

Làm cha mẹ không phải là công việc bán thời gian, bạn chỉ quan tâm đến trẻ khi rảnh, hoặc khi chúng gặp rắc rối.

Để có thể quan tâm đến cuộc sống trẻ, cần phải có thời gian và nỗ lực. Điều này thường đồng nghĩa với việc sắp xếp lại ưu tiên trong cuộc sống. Đôi lúc bạn phải lựa chọn giữa cái mình muốn làm và cái trẻ cần.

Đến một lúc nào đó, trẻ sẽ bước ra khỏi cuộc đời của bạn và sống cuộc đời của chúng. Ít cha mẹ nào tự nhủ “tại sao mình không làm việc nhiều hơn” khi chúng rời tổ ấm. Do đó, hãy tận hưởng từng giây phút trưởng thành của trẻ, vì cơ hội này chỉ đến một lần.

Thời gian có Chất lượng (quality time) là gì?

Trong cuộc sống bộn bề ngày nay, cha mẹ không có nhiều thời gian cho con trẻ như trước đây. Do đó, cần phải tận dụng khoảng thời gian ít ỏi dành cho trẻ.

“Thời gian có Chất lượng” ở đây không phải là bạn làm gì cùng trẻ, mà cha mẹ có dành toàn bộ thời gian đó cho trẻ hay không. Hay nói cách khác, cha mẹ cần phải toàn tâm trong thời gian dành cho trẻ, và không làm việc gì khác (xem phim, đọc báo, làm việc,…)

Vậy dành bao nhiêu thời gian cho trẻ thì đủ? Càng nhiều càng tốt. Quan trọng là cha mẹ cần tập trung 100% chú ý cho trẻ trong thời gian này. Dành 30 phút tập trung hoàn toàn vẫn hơn 2 tiếng vừa đọc báo vừa nói chuyện với trẻ.

Quan tâm đến Sở thích của Trẻ

Thường cha mẹ cố gắng hướng con đến các hoạt động yêu thích của mình, nhưng có khi nào bạn tự hỏi trẻ yêu thích gì không?

Quan tâm đến sở thích của trẻ, mặc dù bạn không thích, là một việc hoàn toàn khác. Gu giải trí (âm nhạc, phim ảnh, trò chơi điện tử,…) thường luôn có một khoảng cách giữa các thế hệ, do đó cha mẹ cần phải nắm bắt mặc dù không thích.

Tham gia Các hoạt động ở Trường

Họp phụ huynh, tham gia các trận đấu, các buổi biểu diễn, quan tâm đến những gì trẻ đang học là những cách thể hiện cho trẻ thấy trường học là quan trọng.

Cha mẹ không nên giao phó trách nhiệm giáo dục hoàn toàn cho nhà trường. Thay vào đó, cha mẹ nên luôn cập nhật tình hình để có thể can thiệp kịp thời nếu trẻ có biểu hiện không tốt ở trường.

Đối với bài tập về nhà, một trong những mục tiêu là trẻ biết tự sắp xếp thời gian để hoàn thành bài tập.

  • Với cấp 1, cha mẹ có thể đặt lịch để trẻ làm bài để tạo thói quen, và chỉ những chỗ sai và hướng dẫn nếu cần.
  • Với cấp 2, trẻ nên tự sắp xếp thời gian để làm bài tập về nhà, cha mẹ nên thỉnh thoàng kiểm tra bài, nhưng trẻ cần chịu trách nhiệm với bài tập của mình.
  • cấp 3, chỉ nên giúp đỡ khi trẻ yêu cầu cụ thể.

Nhưng dù cấp nào đi nữa, tuyệt đối không nên làm bài giúp trẻ, vì như vậy giáo viên sẽ không biết điểm yếu của trẻ là gì để cải thiện.

Tránh Can thiệp Quá mức

Cha mẹ nào cũng muốn bảo vệ con mình không bị tổn thương, điểm kém hay bắt nạt. Tuy nhiên, việc can thiệp quá mức sẽ ảnh hưởng đến khả năng tự lập của trẻ.

Một trong những điều khó khăn nhất khi dạy con là trao dần quyền cho trẻ khi chúng lớn lên. Điều này không có nghĩa là buông tay, mà cho trẻ hiểu bạn luôn bên cạnh chúng để giúp đỡ khi cần, nhưng chúng có thể tự quyết định được.

Khi quyết định có nên can thiệp hay không, một phương pháp tốt nhất là tự hỏi ba câu hỏi:

1. Trẻ có khả năng giải quyết tình huống này hay tự quyết định không?

2. Nếu trẻ có thể giải quyết tình huống này, chúng có cảm thấy tự tin hơn, hay học được điều gì quan trọng không?

3. Nếu trẻ mắc lỗi, hậu quả có nghiêm trọng hay không? Nếu không, nên để trẻ phạm lỗi và học từ đó.

4. Điều chỉnh Phong cách để Thích ứng

Điều chỉnh Phong cách để Thích ứng

Mỗi đứa trẻ đều trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Cha mẹ phải thay đổi phong cách giáo dục để có thể thích ứng với sự biến đổi tâm lý này.

Các mốc phát triển chính: ba, sáu, mười hai và mười sáu. Bạn cần chuẩn bị trước khi con bạn đến các mốc này, đừng để quá trễ.

Bắt nhịp Trưởng thành của Trẻ

Mặc dù các nguyên tắc này không thay đổi trong suốt quá trình trưởng thành của trẻ, nhưng việc áp dụng cần phải thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Khi trẻ lên ba, trẻ bắt đầu có nhu cầu tự chủ, do đó chúng sẽ bắt đầu muốn làm theo ý của mình. Thay vì luôn buộc trẻ làm theo ý mình, cha mẹ có thể đưa ra một số lựa chọn để trẻ “quyết định”: mặc áo màu xanh hay vàng, ăn cà chua hay dưa leo?

Có 4 điểm quan trọng cha mẹ cần nhớ:

  1. Trẻ trưởng thành không chỉ về thể chất, mà cả tâm lý cũng biến đổi theo. Do đó cha mẹ không chỉ tập trung vào bên ngoài, mà cần phải hiểu các giai đoạn phát triển tâm lý này.
  2. Các giai đoạn phát triển tâm lý này có thể dự đoán trước được. Nhiều cha mẹ chỉ bỏ tập trung vào giai đoạn thai kỳ và sơ sinh, mà ít quan tâm đến các giai đoạn sau, hoặc chờ đến khi có vấn đề mới quan tâm.
  3. Các biến đổi tâm lý này là hoàn toàn tự nhiên, không ai có thể tác động. “Ăn vạ” khi lên ba, hay “cãi” cha mẹ khi vị thành niên là các mốc phát triển tâm lý bình thường xuất phát từ nhu cầu tự chủđộc lập.
  4. Những thay đổi này là các khó khăn cha mẹ nào cũng gặp phải trong quá trình phát triển. Nếu hiểu được các giai đoạn này, cha mẹ sẽ có cái nhìn tích cực và kiên nhẫn hơn.

Điều chỉnh theo Tính khí Trẻ

Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều chịu ảnh hưởng một phần nhất định bởi gien. Có trẻ hiếu động (hướng ngoại), có trẻ thích yên tĩnh (hướng nội), có trẻ ngăn nắp, có trẻ bừa bộn. Do đó cha mẹ cần điều chỉnh cách dạy cho phù hợp với tính khí của từng trẻ.

Nếu bạn có một đứa con có tính khí dễ chịu, hãy cảm ơn vì bạn đã may mắn.

Nuôi dạy một đứa trẻ có tính khí khó khăn (vd: quá hiếu động, quá thụ động, quá dạn dĩ, quá nhút nhát) dĩ nhiên sẽ khó hơn cho cha mẹ. Điều này có nghĩa cha mẹ sẽ cần kiên nhẫn hơn với trẻ.

Đồng thời không nên cố gắng đi ngược lại bản tính của trẻ: bạn không để biến một đứa trẻ hiếu động thành một đứa ngoan ngoãn ngồi một chỗ, thay vào đó nên nghĩ các hoạt động để chúng có thể tiêu hao bớt năng lượng.

Mỗi đứa Trẻ là Độc nhất

Mặc dù cách nguyên tắc không đổi, nhưng cách áp dụng phải linh động tuỳ vào độ tuổi, tính cách, sở thích và tình huống.

Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có hơn một trẻ. Không nhất thiết phải áp dụng một quy luật như nhau cho tất cả, mà cần điều chỉnh linh động và phải giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại có sự khác nhau.

Cha mẹ nào cũng có mong mỏi con mình trở thành người như thế nào. Tuy nhiên, nên nhớ đó chỉ là mong mỏi của bạn. Công việc của cha mẹ là giúp con mình khám phá tiềm năng, theo đuổi sở thích và mục đích của chúng, bất kể chúng có đáp ứng kỳ vọng của bạn không.

Một điểm cần lưu ý, đặc biệt ở các nước châu Á, là không nên đối xử trẻ khác nhau dựa trên giới tính của chúng. Ngược lại, nên khuyến khích chúng phá bỏ những khuôn mẫu giới tính này (con trai giỏi toán, con gái giỏi văn).

Kiên nhẫn trong Giai đoạn Chuyển tiếp

Phát triển tâm lý của trẻ không tịnh tiến theo một đường thẳng. Thay vào đó, sẽ có những giai đoạn nhảy vọt, sau đó trở lại bình thường. Ở các mốc chuyển tiếp này (3-6-12-16t), cha mẹ cần phải rất kiên nhẫn.

Những thay đổi đột ngột này phần lớn là do thay đổi cấu trúc của não bộ, đặc biệt ở 3 tuổi và 12 tuổi (dậy thì). Nên nhớ rằng trẻ không thể kiểm soát được quá trình tự nhiên này, do vậy cha mẹ cần phải kiên nhẫn và giúp trẻ vượt qua giai đoạn này.

Vai trò Cha mẹ Thay đổi

Vai trò của cha mẹ sẽ thay đổi khi trẻ lớn dần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xem con mình là một đứa trẻ, mà không thấy chúng đang dần trở thành người lớn.

Có ba thay đổi lớn khi trẻ trưởng thành khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy khó khăn:

  1. Chúng sẽ quan tâm đến nhiều người khác hơn là chỉ cha mẹ: bạn bè, thầy cô, người yêu. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể xây dựng nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau, nó không làm quan hệ với cha mẹ giảm giá trị.
  2. Thay đổi từ việc kiểm soát con cái đến việc giúp trẻ tự kiểm soát. Điều này đặc biệt khó khăn đối với cha mẹ có xu hướng kiểm soát con mình. Thay vì thế, cha mẹ nên cảm thấy tự hào khi trẻ có thể tự mình quyết định.
  3. Thay đổi từ việc uốn nắn trẻ sang việc giúp trẻ trở thành người chúng mong muốn. Thay vì cố gắng uốn nắn trẻ theo khuôn phép, và thất vọng khi chúng không giống như mong đợi, cha mẹ nên giúp trẻ hình thành tính cách của riêng mình.
5. Đưa ra các Quy định và Giới hạn

Đưa ra các Quy định và Giới hạn

Việc đưa ra các quy địnhgiới hạn sẽ giúp trẻ học cách tự kiểm soát mình, và cần mất nhiều năm trẻ mới có thể biến các quy định từ bên ngoài thành kỹ năng tự kiểm soát.

Đồng thời quy định rõ ràng sẽ tạo một môi trường an toàn ở nhà.

Tất cả trẻ đều cần Quy định và Giới hạn

Dù ở độ tuổi nào đi nữa, trẻ luôn cần một môi trường có trật tự. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong nuôi dạy trẻ là cần có các quy định và giới hạn.

Lí do chính của việc đặt ra quy định và giới hạn là để giúp trẻ học cách tự kiểm soát hành vi của mình. Trẻ học kỹ năng này bằng cách biến các quy định bên ngoài thành các quy luật bên trong (internalization).

Nếu không có các quy định và giới hạn, trẻ sẽ không thể hình thành khả năng tự kiểm soát bản thân.

Kiên định, nhưng Linh động

Một khi cha mẹ đặt ra các quy định và giới hạn, trẻ sẽ luôn tìm cách vượt qua các giới hạn này. Đây là điều bình thường.

Dĩ nhiên không vì trẻ luôn phản kháng mà không có quy định hay giới hạn gì, vì cha mẹ biết điều gì là tốt cho trẻ.

Đừng vì trẻ “ăn vạ” trong siêu thị mà mua bánh kẹo hay đồ chơi cho trẻ, vì bạn biết chúng không tốt cho sức khoẻ, và trẻ đã có nhiều đồ chơi ở nhà.

Đừng vì trẻ “mè nheo” mà cho trẻ xem ti vi quá nhiều, vì trẻ cần cân bằng giữa giải trí với vận động, học tập, đọc sách,

Điểm quan trọng là một khi đã đặt ra quy định và giới hạn, cha mẹ cần phải cưỡng chế khi trẻ vi phạm:

  1. Nếu trẻ thấy rằng khóc lóc, mè nheo, cãi lại sẽ khiến cha mẹ thay đổi quy định, lần sau chúng sẽ tiếp tục.
  2. Trẻ sẽ nhận thấy rằng quy định và giới hạn không có ý nghĩa, do đó cha mẹ rất khó đưa ra các quy định mới nếu cần.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần nhớ các quy định đặt ra phải có lí do, chứ không phải chỉ để cho trẻ thấy ai là chủ trong gia đình. Đồng thời đừng quên điều chỉnh quy định và giới hạn khi trẻ lớn dần.

Giám sát Trẻ

Khi trẻ lớn, bắt đầu bỏ thời gian với bạn bè bên ngoài, cha mẹ cần luôn giám sát trẻ: đang ở đâu? làm gì? với ai?

Không nên để trẻ một mình mà không có sự giám sát của người lớn. Bạn cũng cần nói rõ cho trẻ tại sao cần phải giám sát trẻ.

Tuy nhiên, giám sát khác với theo dõi quyền riêng tư của trẻ: xem lén email, nhật ký,… vì niềm tin là nền tảng quan trọng nhất trong quan hệ cha mẹ-con cái.

Giải quyết Xung đột

Một khi có quy định, trẻ sẽ luôn tìm cách để vượt giới hạn, điều này là hoàn toàn tự nhiên.

Khi trẻ vi phạm quy định, bạn có một số giải pháp:

  1. Áp đặt quyền cha mẹ. Về lâu dài, cách này thường dẫn đến nổi loạn ở trẻ khi chúng lớn. Do đó chỉ nên áp dụng hạn chế cho một số trường hợp quan trọng mà bạn thấy trẻ cần phải tuân theo.
  2. Làm theo ý trẻ. Cách này hoàn toàn không có vấn đề nếu: (1) trẻ đúng, bạn sai (2) vấn đề đối với bạn không quan trọng, nhưng quan trọng với trẻ. Hãy dành sức cho những “trận chiến” quan trọng. Đừng sợ nhượng bộ sẽ khiến trẻ lấn lướt, mà cho trẻ thấy rằng cha mẹ lắng nghe ý kiến của mình.
  3. Thoả hiệp. Cho trẻ xem phim thêm 30 phút thay vì 1 tiếng như trẻ yêu cầu. Cách này chỉ tốt khi cả hai bên đều hài lòng với kết quả. Tuy nhiên, cần giải quyết căn nguyên của xung đột hơn là “trả giá” mỗi lần.
    Xem phim 30 phút trong tuần, 1 tiếng cuối tuần.
  4. Cùng nhau giải quyết. Đây là cách tối ưu nhất, tìm cách thay đổi quy định sao cho thoả mãn cả hai bên, thay vì tìm cách cưỡng chế. Cách này sẽ phù hợp nhất khi trẻ đủ lớn.
    Trẻ sẽ chọn một số loại rau và trái cây yêu thích, thay vì bắt trẻ ăn bông cải xanh.

    Cho trẻ quyết định thứ tự thực hiện các công việc của mình, miễn sao trẻ hoàn thành trước khi đi ngủ.

Dần giảm bớt Giới hạn

Một trong những điều cha mẹ cần làm là giảm dần mức độ kiểm soát trẻ, khi chúng thể hiện trách nhiệm & khả năng quyết định. Không nên hoàn toàn bỏ các quy định và giới hạn, nhưng chúng cần thay đổi dần cho phù hợp với trẻ.

6. Giúp trẻ Trở nên Độc lập

Giúp trẻ Trở nên Độc lập

Tất cả mọi đứa trẻ đều mong muốn tự mình thực hiện mọi thứ, đây là nhu cầu cơ bản của con người.

Nhiệm vụ của cha mẹ là dần mở rộng các giới hạn, giảm bớt các luật lệ, giúp trẻ ngày càng tự tin và có trách nhiệm trong các quyết định của mình.

Why We Do What We Do

Trẻ có Nhu cầu Tự chủ

Đặt ra các giới hạn để trẻ học cách tự kiểm soát. Khuyến khích trẻ độc lập để giúp trẻ học cách tự định hướng. Cả hai đều cần thiết cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

Vì vậy, cha mẹ nên xem việc trẻ luôn tìm cách vượt rào là bình thường trong quá trình phát triển, không đồng nghĩa với việc nổi loạn hay không nghe lời. Nhu cầu tự chủ hành vi của trẻ là nhu cầu tự nhiên của con người, tự kiểm soát thay vì bị kiểm soát.

Do trẻ cần đồng thời cả hai: tự dogiới hạn, nên cha mẹ cần phải cân bằng giữa hai bên. Điều này đặc biệt khó khăn, vì lằn ranh này không cố định, mà di chuyển theo độ tuổi của trẻ. Bên dưới là năm nguyên tắc để trao dần quyền tự chủ cho trẻ:

  • Chọn trận chiến quan trọng. Đừng tranh luận với trẻ về mọi lựa chọn, mà chỉ nên quyết định những cái quan trọng. Đối với các quyết định không quan trọng, cứ để trẻ quyết định: mặc gì, đi giày nào, để tóc ngắn hay dài, nhuộm tóc màu hồng hay tím,…
  • Chọn trước cho trẻ. Thay vì hỏi trẻ ăn gì, nên cho trẻ quyết định trong một số lựa chọn bạn chấp nhận. Giới hạn thời gian sử dụng ipad/tv, nhưng cho trẻ quyết định khi nào học, khi nào chơi. Đừng mua đồ ăn vặt để trong nhà nếu bạn không muốn trẻ đòi.
  • Khen các quyết định đúng của trẻ. Mặc dù đối với người lớn, các quyết định của trẻ rất vụn vặt, nhưng đối với chúng là cả một thành tựu: chọn một món tráng miệng lành mạnh thay vì kem sô-cô-la, chọn một món quà sinh nhật phù hợp cho bạn học.
  • Giúp trẻ suy nghĩ để quyết định. Suy cho cùng, trẻ cần phải tự mình quyết định khi bạn không có mặt. Do đó giúp trẻ học cách suy nghĩ sẽ tốt hơn là quyết định dùm trẻ tất cả.
  • Để trẻ học được từ sai lầm của mình. Nên để trẻ tự học từ sai lầm của chính mình, nếu hậu quả không nghiêm trọng. Phạm sai lầm là một phần tất yếu trong quá trình học hỏi.

Đối phó với tính Phản đối & Hay cãi

Một trong hai giai đoạn phát triển của trẻ mà cha mẹ cảm thấy khó khăn nhất là: dậy thìlên ba. Điều này cũng dễ hiểu, bởi đây là 2 giai đoạn não bộ trẻ có những thay đổi lớn: nhu cầu tự chủ. Những cãi vả hầu hết đều xoay quanh những gì trẻ muốn làm và những gì cha mẹ cho phép.

Trẻ lên ba đã có khả năng ngôn ngữ để thể hiện ý kiến của mình, và trẻ dậy thì đã đủ khả năng lý luận như người lớn. Do đó không hẳn trẻ hay cãi hơn trước, chỉ là trẻ cãi giỏi hơn trước kia thôi.

Vì vậy, đây là phát triển bình thường về tâm lý. Trường hợp ngược lại mới đáng lo: trẻ không phản kháng với bất kỳ những gì cha mẹ nói là dấu hiệu cho thấy chậm phát triển. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ bày tỏ ý kiến của mình, cho trẻ thấy ý kiến khác biệt với cha mẹ là bình thường.

Giữ Khoảng cách Cảm xúc

Bên cạnh củng cố quyền tự chủ của trẻ, còn một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng: cân bằng về cảm xúc. Cha mẹ phải cho trẻ cảm giác an toàn về mặt cảm xúc, nhưng không quá xâm phạm (liên tục dõi theo cảm xúc của trẻ).

Trẻ cần cảm giác gắn bó với cha mẹ, đồng thời cần có cảm giác tách biệt.

Đôi khi trẻ chỉ cần ở một mình. Đây là một kỹ năng cần thiết để trẻ học cách kiểm soát cảm xúc của mình.

Nhiều cha mẹ hốt hoảng chạy đến đỡ khi con mình té. Phản ứng quá mức của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy tệ hơn là việc bị té. Thay vào đó, chỉ cần nhìn trẻ là đủ trấn an chúng.

Não bộ có cơ chế tự điều chỉnh các cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực. Do vậy, trừ khi trẻ cực kỳ buồn bã hoặc có chấn thương, bạn hãy nên can thiệp, còn lại thì nên để trẻ tự mình thích nghi.

Ngoài ra, cha mẹ nên dạy trẻ cách gọi tên cảm xúc của mình, chứ không nên gạt bỏ chúng. Thường cha mẹ không muốn con mình trải qua các cảm giác tiêu cực: buồn bã, giận dữ, thất vọng. Thế nhưng trẻ cần phải hiểu được các cảm xúc này thì mới có thể tự mình điều chỉnh được.

Đừng Quản lý Trẻ Chi ly (micromanage)

Khi trẻ trưởng thành, chúng cần có tự do để quyết định theo ý mình. Cha mẹ cần đặt những giới hạn để trẻ tuân theo, nhưng nên để trẻ quyết định trong giới hạn cho phép đó.

Mình thường để con tự quyết định thứ tự các việc cần hoàn tất: học bài, xem phim, đàn, chơi với bạn,… miễn sao hoàn thành tất cả trước khi đi ngủ.

Phản đối khi Bắt buộc, Cho phép nếu Có thể

Thỉnh thoảng sẽ có những tình huống chưa có tiền lệ, khi đó, cha mẹ cần suy nghĩ liệu có nên cho phép hay không?

  • Có nguy hiểm hay không?
    Đạp xe đến trường mà không đội mũ bảo hiểm.
  • Có tốt cho sức khoẻ không?
    Ăn snack, uống nước ngọt mỗi ngày
  • Có bất hợp pháp hay vô đạo đức không?
    Nói dối, ăn cắp, lừa người khác,… Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ phân biệt phải trái, đúng sai.
  • Tình huống có khả năng dẫn đến rắc rối hay không?
    Để trẻ tụ tập với bạn bè cùng lứa mà không có người lớn giám sát.
  • Hậu quả có lớn hay không?
    Nếu trẻ không thích bóng rổ thì có thể chọn môn thể thao khác, nhưng nếu trẻ nghỉ học toán vì không thích sẽ ảnh hưởng đến tương lai.

Quan trọng hơn hết là luôn để tâm (be mindful) khi trả lời trẻ, đừng cứng nhắc dựa trên các quy định mà cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể.

7. Luôn Nhất quán

Luôn Nhất quán

Các quy định nên nhất quán, nếu không, chúng sẽ không còn tác dụng.
Tuy nhiên, cũng không nên cứng nhắc mà cần phải xem xét tình hình cụ thể, đặc biệt khi trẻ lớn dần, các luật lệ cần theo đó mà điều chỉnh.

Cần Nhất quán Mỗi ngày

Một trong những nhân tố quan trọng nhất khiến trẻ không vâng lời là thiếu nhất quán. Nếu quy định thay đổi hàng ngày, hoặc lúc áp dụng lúc không, thì việc trẻ không vâng lời hoàn toàn là lỗi của cha mẹ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nhất quán, lí do thường gặp nhất là do cha mẹ mệt mỏi sau một ngày dài hoặc căng thẳng vì các mối lo âu khác: công việc, hôn nhân, gia đình, tài chính,… Do vậy, cha mẹ cần phải để ý nhiều hơn khi bản thân đang gặp các vấn đề này.

Tầm Quan trọng của Thói quen thường ngày

Một cuộc sống gia đình có tổ chức sẽ giúp mọi thứ dễ dàng hơn, do đó nên tạo các thói quen hàng ngày cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Nên có một lịch trình cố định cho các việc trong ngày, từ thức dậy, thay đồ, ăn sáng, đi học, ăn chiều, làm bài tập, đi ngủ. Trong đó, ngủ đúng giờ là quan trọng nhất, vì trẻ thiếu ngủ sẽ rất cáu gắt, và dậy trễ sẽ khiến mọi thứ rối tung lên khi cả nhà đều vội.

Có một điểm cần lưu ý là trẻ dậy thì sẽ ngủ trễ và thức trễ hơn bình thường. Để tạo thói quen thức đúng giờ, không nên để trẻ ngủ nướng vào cuối tuần. Thay vào đó, có thể cho trẻ ngủ trưa vào cuối tuần nếu ngủ chưa đủ.

Thói quen hàng ngày đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, giúp chúng cảm thấy an toàn vì biết trước mình sẽ cần làm gì.

Cha & Mẹ cần Thống nhất thế nào?

Khi trẻ dưới sáu tuổi, chúng đánh giá mọi thứ qua lăng kính trắng-đen (phải-trái) rất rõ. Do đó hành xử của cha & mẹ cần thống nhất với nhau. Nếu không, trẻ sẽ chỉ vâng lời phe “đúng”. Tình trạng này sẽ dần mất đi khi trẻ đến tuổi dậy thì.

Khi dậy thì, trẻ hiểu rằng mỗi người có quan điểm khác nhau về một vấn đề, không hẳn là đúng hay sai. Tuy nhiên, trẻ ở tuổi này sẽ phát hiện một trong hai người sẽ nghiêm khắc hơn người kia. Và thường lợi dụng điểm này để xin phép người dễ dãi trước, khiến vợ chồng thường xung đột nếu không có chiến lược trước.

Cha mẹ cần thống nhất giải pháp trước khi trao đổi với trẻ để tránh tình trạng ông nói gà, bà nói vịt. Bên dưới là một số đề nghị để giải quyết bất đồng:

  • Vấn đề quan trọng hơn đối với ai. Nếu bạn không xem vấn đề này là quan trọng, thì nên để vợ/chồng mình quyết định.
  • Cẩn thận vẫn hơn. Thường thì cha mẹ dễ dãi không có vấn đề gì với các quyết định phòng ngừa. VD: trẻ muốn về nhà trễ hơn, nhưng vợ không đồng ý thì nên theo.
  • Ai có chuyên môn hơn. Nếu một người là bác sĩ thì dĩ nhiên các vấn đề sức khoẻ nên hỏi người đó.
  • Ảnh hưởng đến ai hơn. Vấn đề ảnh hưởng nhiều hơn đến người nào, thì nên để người đó quyết định.
  • Nếu tất cả đều không được, thì nên luân phiên nhau quyết định.

Điểm quan trọng là sau khi thống nhất giải pháp thì cha/mẹ không nên “ngấm ngầm phá hoại” bằng cách phớt lờ vi phạm của trẻ khi người kia không có mặt. Vấn đề này thường xảy ra khi cha mẹ li hôn.

Dù bất đồng ý kiến, cả hai nên nhớ rằng các quyết định là để giúp trẻ trưởng thành hơn, KHÔNG phải để thể hiện ai có quyền lực hơn người kia.

Nhất quán nhưng không Cứng nhắc

Ở đây cha mẹ cần phân biệt giữa nhất quán, áp dụng quy định thích hợp với tình huống và cứng nhắc, luôn áp dụng quy định bất kể tình huống.

Trẻ phải đi tắm, ăn cơm, học bài, đàn rồi mới được xem phim, kể cả khi chúng đã đủ lớn để biết tự sắp xếp thời gian.

Một tình huống cứng nhắc khác thường gặp là không thay đổi/bỏ quy định không còn tác dụng nữa. Nhìn chung, khi trẻ càng lớn, thì các quy định cần được nới lỏng và giảm bớt, khi trẻ có thể tự chủ được hành vi của mình.

Xác định những Quy định Bắt buộc

Để dễ dàng quyết định khi nào thì nên linh động, khi nào nên kiên định, cha mẹ cần xác định các quy định bắt buộc, không thể bỏ qua trong bất kỳ tình huống nào.

Các quy định này mỗi gia đình mỗi khác. Tuy nhiên, không nên có nhiều quy định kiểu như thế này.

Chủ yếu các quy định giữ trẻ an toàn và khoẻ mạnh, hoặc truyền thống gia đình.

Không thức khuya, ăn trái cây/rau mỗi ngày, báo với người lớn khi ra khỏi nhà, không hút thuốc

Không nên bao gồm các quy định liên quan đến sở thích cá nhân.

Mặc đồ gì, nhuộm tóc màu gì
8. Tránh Trừng phạt Nặng nề

Tránh Trừng phạt Nặng nề

Về cơ bản có 3 cách để thay đổi hành vi của trẻ: trừng phạt trẻ, thưởng trẻ để khuyến khích hành vi đúng, hoặc giải thích cho trẻ hiểu.

Tuy nhiên, KHÔNG bao giờ trừng phạt bằng cách đánh trẻ hoặc xúc phạm trẻ bằng lời nói.

Mình không đồng tình với ý này, vì thưởng hay phạt đều là công cụ bên ngoài để áp đặt lên trẻ. Việc tuân thủ hay không cần xuất phát từ nội tại của trẻ.

Thay vì đó, khi đặt các luật lệ, nên thống nhất trước với trẻ về hệ quả (consequence) của việc không tuân thủ.

Why We Do What We Do để hiểu tại sao thưởng & phạt về lâu dài đều không có tác dụng.

Tuy nhiên, nếu bạn bắt buộc phải phạt trẻ, ít nhất hãy đọc các biện pháp bên dưới để hiểu rõ các hình thức phạt và giới hạn của chúng.

Có nên Trừng phạt Trẻ không?

Về cơ bản có 3 cách để thay đổi hành vi của trẻ: trừng phạt trẻ, thưởng trẻ để khuyến khích hành vi đúng, hoặc giải thích cho trẻ hiểu. Hầu hết cha mẹ thường kết hợp cả ba phương pháp, tuỳ vào tình huống và độ tuổi của trẻ.

Có nhiều cách để phạt trẻ, nhưng có thể chia làm hai nhóm:

  • Áp đặt Quyền lực (power assertion): time-out (cho ra rìa, ngồi yên một chỗ), cất đồ chơi yêu thích của trẻ, không cho ăn vặt (có thể áp dụng), đánh đòn hoặc chửi mắng trẻ (không nên).
    Biện pháp này thường chỉ có tác dụng khi trẻ còn nhỏ. Trẻ càng lớn thì biện pháp này càng giảm tác dụng. Hầu như không còn tác dụng đối với tuổi teen.
  • Giảm bớt Tình yêu (love withdrawal): các hình phạt khiến trẻ cảm thấy buồn, có lỗi hay xấu hổ vì khiến cha mẹ giận dữ hoặc thất vọng: không thèm nói chuyện, bỏ lơ trẻ, nói cho trẻ biết mình thất vọng với trẻ
    Biện pháp này chỉ có tác dụng khi quan hệ giữa cha mẹ và trẻ rất gắn bó. Nếu bạn ít quan tâm đến trẻ thì biện pháp này hầu như không có tác dụng gì cả.
    Điều mỉa mai ở đây là bạn cần phải có quan hệ gần gũi với trẻ mới có thể trừng phạt chúng theo cách này (và làm giảm bớt quan hệ).

Điểm quan trọng nhất để việc phạt có hiệu quả là chúng phải đủ gây khó chịu cho trẻ. Do đó cha mẹ cần biết điểm yếu của trẻ để có thể trừng phạt hiệu quả.

Thời gian time-out phải đủ lâu để trẻ cảm thấy khó chịu, đồng thời không có gì xung quanh để trẻ giải trí

Ngoài ra, có hai yếu tố khác cha mẹ cũng nên lưu ý khi phạt: cần nhất quánngay tức thời.

  • Nhất quán: như đã đề cập bên trên, các quy định cần phải nhất quán, nếu không trẻ sẽ không biết lúc nào nên tuân thủ, lúc nào không.
  • Tức thời: cần phạt ngay tại thời điểm trẻ làm sai, hoặc càng sớm càng tốt, không nên chờ đến lúc bạn cảm thấy khó chịu thì mới phạt.
    Nếu bạn không thích trẻ mè nheo mua đồ chơi, nên phạt trẻ ngay khi trẻ bắt đầu mè nheo, không phải chờ đến lần thứ mười mới phạt

KHÔNG bao giờ dùng Vũ lực

Trong tất cả mọi tình huống, cha mẹ không bao giờ nên dùng vũ lực với trẻ. Trừng phạt bằng vũ lực không hiệu quả hơn các biện pháp khác, đồng thời gây hậu quả về lâu dài cho trẻ.

Việc trừng phạt bằng bạo lực sẽ khiến trẻ sẽ trở nên hung hăng hơn. Chúng sẽ có xu hướng bắt nạt bạn bè và dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng bị cô lập trong lớp, rắc rối trong trường học và bị liệt vào thành phần cá biệt.

Đừng Xúc phạm trẻ

Tương tự với bạo lực, việc chửi mắng trẻ sẽ gây ra các tổn thương lâu dài về mặt tâm lý. Thậm chí còn tệ hơn các thương tổn về thân thể.

Khi cha mẹ khiển trách trẻ, tránh dùng các từ ngữ nhằm hạ thấp giá trị của trẻ.

Chỉ trích: “Lớn rồi mà như con nít vậy.”
So sánh: “Phải chi con siêng bằng phân nửa chị hai.”
Làm nhục: “Con cái gì mà hư thân mất nết.” “Rửa có cái chén cũng không nên hồn.”
Kết tội: “Chắc ba mẹ mắc nợ mày kiếp trước.”

Một trong những biện pháp để tránh tình trạng này là nên tập trung phê phán hành vi của trẻ, đừng phê phán bản chất của trẻ.

Khả năng: “Làm việc gì cũng không nên thân hết.”
Cá tính: “Con cái gì mà lì lợm hết chỗ nói.”
Tương lai: “Học hành như con sau này chắc không làm nên trò trống gì.”

Tất cả trẻ em đều có xu hướng muốn làm hài lòng cha mẹ. Việc trừng phạt bằng bạo lực hay xúc phạm sẽ làm giảm xu hướng này. Dẫn đến mối quan hệ ngày càng xấu đi.

Kiểm soát Cơn giận

Việc trừng phạt bằng bạo lực hay lời nói thường xảy ra khi bạn đang nổi nóng. Do đó, cha mẹ không nên khiển trách trẻ khi bản thân đang nổi nóng. Thay vào đó, nên dừng lại một lúc để cơn giận qua đi.

Cách Trừng phạt Đúng

Trừng phạt chỉ có hiệu quả khi đủ khó chịu, nhất quán, tức thờikhông quá nặng nề.

Thông điệp trừng phạt nên có năm yếu tố bên dưới, thường theo trình tự:

  • Xác định hành vi không đúng.
  • Nói cho trẻ biết ảnh hưởng của hành vi sai trái.
  • Đề nghị cách hành xử khác trong tương lai.
  • Nói rõ hình phạt là gì.
  • Cho trẻ biết bạn mong đợi gì ở trẻ trong tình huống tương tự.

Mẹ đã nói là con không được vẽ trên ghế sô-pha (xác định). Mực này rất khó giặt sạch (ảnh hưởng). Nếu con muốn tô màu, hãy ngồi lên bàn hoặc tô dưới sàn (cách hành xử khác). Đưa cho mẹ mấy cây bút màu. Con sẽ không được tô màu trong một tuần (hình phạt). Lần sau con nhớ đừng tô màu trên ghế sô-pha nữa nhé (mong đợi).
9. Giải thích Quy định và Quyết định của bạn

Giải thích Quy định và Quyết định của bạn

Khi đưa ra các quy định, cha mẹ nên rõ ràng, tránh mập mờ và giải thích cho trẻ hiểu rõ tại sao.

Nếu có thể, nên có ý kiến đóng góp từ phía trẻ, vì trẻ sẽ dễ tuân thủ nếu luật lệ đó có góp ý của chúng.

Nói rõ Kỳ vọng của mình

Cha mẹ bao giờ cũng có những kỳ vọng đối với trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng nói rõ với con cái những kỳ vọng này.

Các kỳ vọng đối với trẻ cần rõ rànghợp lý. Nếu kỳ vọng không rõ ràng, trẻ sẽ nghĩ rằng mình đang đáp ứng kỳ vọng của ba mẹ, nhưng thật sự thì không. Nếu kỳ vọng không hợp lý, trẻ không thể đạt được dù có cố gắng đến mấy.

Kỳ vọng: trẻ sẽ rửa chén ngay sau khi ăn cơm. Thực tế: xem phim 30p sau khi ăn xong rồi mới đi rửa chén.

“Con học đàn đi”. Kỳ vọng: trẻ sẽ đàn 60 phút. Thực tế: 15 phút.

“Giữ cho phòng ốc sạch sẽ.” Kỳ vọng: tất cả mọi thứ gọn gàng, quần áo ngay ngắn trong tủ, hút bụi mỗi tuần. Thực tế: không quẳng đồ dơ trên sàn nhà.

Nên nhớ, trẻ không có khả năng đọc ý nghĩ của người khác. Hơn nữa, những điều mà người lớn cho rằng hiển nhiên hoàn toàn không có nghĩa với trẻ. Những cái hiển nhiên (common sense) đối với người lớn, không có nghĩa là hiển nhiên với trẻ, vì chúng chưa đủ kinh nghiệm, phán đoán các tình huống như người lớn.

Do đó, khi đặt kỳ vọng với trẻ, càng rõ ràng càng tốt để tránh thất vọng cho cả hai bên.

Bên cạnh đó, kỳ vọng đặt ra cũng cần phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đây cũng là cách để trẻ tự tin về khả năng của mình. Mức độ khó khăn sẽ tăng dần khi trẻ trưởng thành hơn.

Lí luận với Trẻ

Khi đưa ra quy định, tốt nhất nên giải thích với trẻ tại sao lại có quy định này, vì trẻ sẽ dễ tuân thủ các quy định nếu trẻ thấy sự cần thiết và hợp lý. Nên chú ý ngôn ngữ giải thích cần phù hợp với độ tuổi của trẻ.

  • Dưới sáu tuổi: giải thích cần phải hợp lý (reasonable). Không cần phải giải thích nguyên tắc bên dưới vì trẻ chưa hiểu được.
  • Sáu đến mười một: giải thích cần phải logic (logical) và hợp lý. Các nguyên tắc giải thích cần rõ ràng, cụ thể để trẻ có thể hiểu được.
  • Trên mười một: giải thích cần phải hợp lý, logicnhất quán (consistent) với những gì bạn làm. Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể lý luận như người lớn, có thể bắt bẻ lại các logic không hợp lý, thiếu nhất quán.

“Nói sao thì nghe vậy đi.”

Đôi khi cha mẹ không đủ kiên nhẫn để giải thích mọi thứ cho trẻ, và câu cửa miệng thường là: “Ba mẹ nói sao thì nghe vậy đi.”, “Không được cãi lời người lớn.”

Tuy nhiên, khi trẻ bắt đầu thắc mắc tại sao, cha mẹ nên trả lời càng rõ ràng càng tốt. Điểm quan trọng nhất là bạn dạy trẻ luôn yêu cầu người khác đưa ra lí do hợp lý khi buộc chúng làm điều gì đó.

Thẩm quyền cha mẹ nên dựa vào kinh nghiệm, kiến thức, phán đoán, hoàn toàn không nên dựa vào quyền lực. Trẻ vâng lời vì lời khuyên của bạn là đúng, không phải vì bạn có quyền lực hơn trẻ.

Lắng nghe Trẻ

Cha mẹ luôn nghĩ rằng những quy định đặt ra đều tốt cho trẻ, mà quên rằng trẻ cũng có góc nhìn của riêng mình.

Có một số lí do cha mẹ nên hỏi ý kiến của con cái, đặc biệt khi chúng bước vào tuổi vị thành niên.

  • Thứ nhất, khi hỏi ý kiến của trẻ, bạn cho thấy mình có xét đến góc nhìn của trẻ khi đưa ra quyết định, chứ không chỉ dựa vào ý kiến cá nhân.
  • Thứ hai, việc này biến trẻ góp phần trong quá trình quyết định. Điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ bất đồng ý kiến với bạn. Bởi một lí do quan trọng khiến chúng ta cảm thấy bất mãn là người ra quyết định không quan tâm đến góc nhìn của mình, mặc dù kết quả cuối cùng đều như nhau.
  • Thứ ba, hiểu được cách nghĩ của trẻ sẽ giúp bạn có thêm thông tin để ra quyết định phù hợp hơn. Đồng thời giúp trẻ hiểu được cách cha mẹ suy nghĩ. Sau cùng, đây là một cơ hội để trẻ có thể thực hành kỹ năng thuyết phục của mình khi có những bất đồng ý kiến trong tương lai.

Dĩ nhiên không phải lúc nào bạn cũng cần phải giải thích hay thảo luận. Bởi như thế chỉ mệt mỏi cho cả hai bên. Tuy nhiên, nếu vấn đề đặc biệt quan trọng với trẻ, hoặc bạn không chắc, thì nên hỏi ý kiến của trẻ về vấn đề này.

Bạn không thể có một đứa trẻ vâng lời răm rắp ở nhà, nhưng lại mạnh dạn nêu ý kiến trong lớp hoặc công ty.

Nhận lỗi của mình

Cha mẹ thường không muốn nhận lỗi vì sợ rằng một khi trẻ thấy cha mẹ cũng có thể sai, trẻ sẽ nghi ngờ tất cả các quyết định của cha mẹ.

Tuy nhiên, sớm muộn gì thì trẻ cũng nhận ra ba mẹ cũng là người bình thường, vẫn phạm lỗi như chúng. (Có thể thấy rõ nhất ở tuổi dậy thì, trẻ có xu hướng nghi ngờ tất cả những gì ba mẹ nói, trái ngược với lúc sáu tuổi, cha mẹ luôn luôn đúng.)

Nhìn chung, cha mẹ không cần phải công khai tất cả các sai lầm trong quá khứ. Nhưng nên trả lời thành thật với trẻ khi được hỏi, đặc biệt các thói quen xấu có ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ: hút thuốc, uống rượu,… nhằm giúp trẻ có lựa chọn tốt hơn.

10. Luôn Tôn trọng Trẻ

Luôn Tôn trọng Trẻ

Nếu cha mẹ muốn trẻ tôn trọng mình, cách đơn giản nhất là tôn trọng chúng. Trẻ được đối xử tôn trọng sẽ đối xử như vậy với người khác.

Chỉ khi trẻ được tôn trọng, chúng mới có thể bày tỏ suy nghĩ của mình, và cha mẹ mới có thể hướng dẫn cách suy nghĩ của chúng.

Cho và Nhận Sự Tôn trọng

Phần nhiều cha mẹ đều quan tâm quá mức đến việc con cái tôn trọng mình, mà ít khi để ý mình có tôn trọng con hay không.

Trẻ em sinh ra đều có xu hướng noi gương theo cha mẹ và muốn trở nên giống cha mẹ mình. Khi trẻ dần trưởng thành và nhận ra những khiếm khuyết của cha mẹ, hào quang sẽ dần biến mất. Đây là một quá trình tự nhiên, và theo một khía cạnh, đáng mong đợi. Suy cho cùng, trẻ cần có một cái nhìn thực tế về thế giới, điều này bao gồm cả cái nhìn thực tế về cha mẹ mình.

Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, chúng sẽ thường hay cãi lại, hay nổi loạn. Nhưng không phải do thiếu tôn trọng cha mẹ, mà do chúng cần khẳng định cá nhân của mình. Trong giai đoạn này, cha mẹ nên có cái nhìn bao dung hơn, và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, kể cả khi bất đồng ý kiến.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu bạn có tôn trọng trẻ hay không?

Tôn trọng trẻ không có nghĩa là xem chúng như bạn bè đồng lứa, hay cùng nhau quyết định. Bạn là cha mẹ, và chúng là con cái.

Có hai lí do cha mẹ không nên xem con cái là bạn bè:

  • Trẻ nên có bạn thân cùng lứa tuổi để trao đổi những chuyện trong độ tuổi của mình. Nói cho mẹ biết về crush của mình là một chuyện, nhưng chia sẻ với bạn bè cũng đang trải qua cảm giác này là một chuyện khác. Vì cha mẹ đã qua giai đoạn này từ lâu, khó lòng có thể hình dung lại cảm xúc lúc đó.
  • Đôi lúc cha mẹ cần thiết lập quyền lực, điều bất khả thi nếu họ đối xử con cái như bạn bè. Bạn không thể làm bạn thân của con hôm trước, hôm sau lại trở thành quản giáo. Chưa kể nhiều cha mẹ còn lấy con cái làm điểm tựa tinh thần. Trưởng thành là một giai đoạn đầy khó khăn, bạn không nên thêm sức ép cho trẻ.

Tôn trọng trẻ có nghĩa là đối xử với trẻ như với người bạn gặp lần đầu: nói chuyện lịch sự, tôn trọng ý kiến trẻ, chú tâm khi trẻ nói, đối xử tử tế, khiến trẻ hài lòng nếu có thể. Bạn không cần phải là bạn bè mới có thể thân thiện với con.

Cách tốt nhất để trẻ tôn trọng mình là hãy tôn trọng trẻ.

Đối thoại từ Hai phía

Khi các nhà nghiên cứu hỏi trẻ và trẻ vị thành niên về điều gì chúng mong muốn sẽ khác hơn, câu trả lời đầu tiên hầu như bao giờ cũng là:

Con muốn ba mẹ dành nhiều thời gian trò chuyện với con hơn.

Hầu hết cha mẹ đều cho rằng mình đã dành nhiều thời gian nói chuyện với trẻ, nhưng trẻ không chịu nghe hoặc trả lời nhát gừng.

“Đi học vui không con?” “Vui.”
“Lúc chiều con làm gì?” “Không làm gì hết.”
“Con đi đâu đó?” “Ra ngoài.”

Sở dĩ có sự khác biệt này là do cha mẹ không phân biệt giữa nói cho trẻ nghenói chuyện với trẻ. Những điều cha mẹ nói thường rơi vào nói cho trẻ nghe: giảng giải, thuyết giáo, điều tra.

Dĩ nhiên vai trò của cha mẹ là hướng dẫn con cái, do đó chúng ta phải hỏi, hướng dẫn, giải thích. Nhưng không nên biến tất cả các cuộc nói chuyện thành những bài giảng.

Cái trẻ cần ở cha mẹ là nói chuyện với trẻ: tập trung chú ý những gì trẻ nói, chủ động hỏi ý kiến trẻ, hỏi những chi tiết cụ thể, tránh những câu hỏi chung chung hoặc có/không, đừng ngắt lời, và thật tâm. Nếu bạn hỏi cho có, trẻ cũng sẽ trả lời cho có.

“Không được Cãi.”

“Con nít biết gì mà nói.”
“Khi nào ba hỏi thì hãy nói.”
“Im miệng đi!”

Cha mẹ nên bỏ thói quen gạt ngang những gì trẻ nói, có những cách tế nhị hơn để nói trẻ biết. Trẻ cần hiểu rằng đôi lúc sẽ có những bất đồng, và có thể bày tỏ bất đồng một cách tôn trọng.

“Ba biết con không đồng ý, nhưng việc này phức tạp hơn con nghĩ. Khi nào về nhà, ba sẽ giải thích kỹ hơn.”

“Hôm nay mẹ bận nhiều việc ở công ty nên mệt quá không tranh luận về chuyện này được. Lần này con làm theo ý mẹ nhé. Cảm ơn con.”

Để Trẻ Sống đúng tuổi của mình

Mỗi đứa trẻ có một tốc độ phát triển khác nhau. Sớm hay muộn rồi chúng cũng sẽ trải qua tất cả các giai đoạn phát triển. Cha mẹ không cần phải thúc ép trẻ làm gì, cứ để chúng phát triển tự nhiên. (nếu cha mẹ quá lo lắng thì có thể gặp bác sĩ)

Đừng bắt trẻ học quá nhiều thứ. Nên cân bằng giữa học và chơi, thư giãn và vận động, hoặc không làm gì cả. Học tập là cả cuộc đời, cần nuôi dưỡng tinh thần ham học hỏi, khám phá hơn là định hướng ngay từ bé. Hãy để trẻ tự khám phá con đường riêng của mình.

Trẻ đối xử với Người khác như cách Cha mẹ đối xử với mình

Cách bạn đối xử với trẻ sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ của trẻ về sau. Nếu bạn đối xử với trẻ bằng tình yêu, lòng trắc ẩn, và sự tôn trọng, trẻ trưởng thành sẽ trở thành người biết quan tâm, chăm sóc và ân cần.

Hay nói cách khác, nếu bạn tôn trọng trẻ, cuộc sống của chúng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chúng sẽ dễ kết bạn. Chúng sẽ dễ thành công hơn trong cuộc sống và công việc. Chúng sẽ có hôn nhân hạnh phúc hơn và là cha mẹ tốt hơn.

Không có gì đảm bảo việc này. Nhưng nếu trẻ được nuôi dưỡng trong một gia đình thương yêu, dìu dắt và tôn trọng, cơ hội thành công sẽ cao hơn rất nhiều.

Không có việc gì quan trọng hơn nuôi dưỡng một đứa trẻ, và cha mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của trẻ.

Yêu thương vô điều kiện.

Hướng dẫn trẻ bằng các quy định và giới hạn.

Và luôn tôn trọng trẻ.

Read more
The Science of Well-being
Psychology
Thinking, Fast and Slow by Daniel Kahneman
Bias
How Emotions Are Made
Neuroscience
Flourish
Psychology