Tại một thời điểm nào đó trong khoảng 100,000 năm gần đây, con người bắt đầu có những đặc tính và hành vi tách biệt chúng ta với tất cả các sinh vật khác. Mặc dù có chung hơn 98% DNA với loài tinh tinh, con người phát minh ra ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo, động cơ hơi nước, phi thuyền và vũ khí nguyên tử — tất cả chỉ trong “nháy mắt” của lịch sử tiến hoá.
Vậy những đặc điểm của loài người có nguồn gốc từ đâu? Liệu chúng có phải là định mệnh không thể thay đổi được của loài người? Và chúng ta có thể thay đổi được tương lai hay không nếu thay đổi hướng đi?
Xuất thân từ giới học giả, Jared Diamond là một trong số ít tác giả viết về đề tài khoa học nhắm đến đa số. Và The Third Chimpanzee là tác phẩm đầu tay của ông về toàn bộ lịch sử tiến hoá của loài người và là tác phẩm ông thích nhất.
Với kiến thức trải rộng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các giả thuyết của ông rất đáng suy ngẫm vì kết hợp nhiều góc nhìn khác nhau. Bạn nên đọc quyển này trước khi quyết định đọc các quyển tiếp theo để có cái nhìn tổng quát nhất về cách suy luận của ông.
Do sách trải rộng nhiều chủ đề: từ tiến hoá, chọn lọc giới tính, đến ngôn ngữ, sự trỗi dậy của các nền văn minh và sự sụp đổ của hệ sinh thái, nên tác giả thừa nhận nội dung của từng chủ đề không đủ sâu. Các quyển sách tiếp theo đều là mở rộng về các chủ đề này, tất cả đều đã có bản dịch tiếng Việt:
- Why Is Sex Fun? (Tại sao tình dục lại thú vị? )
- Guns, Germs, and Steel (Súng, Vi Trùng và Thép )
- Collapse (Sụp đổ )
Loài Tinh Tinh Thứ Ba
Cách đây gần 200 năm, Darwin đã đưa ra Thuyết Tiến Hoá với các bằng chứng cho thấy tất cả sinh vật đều có chung một tổ tiên. Tuy nhiên, với hạn chế của khoa học lúc bấy giờ, cách phân loại chủ yếu dựa vào hình dáng bên ngoài, nên chưa có kết luận chính xác về nguồn gốc của loài người.
Với các bằng chứng khảo cổ và khoa học hiện đại, các nhà khoa học có thể xác định Homo sapiens chia sẻ 98% DNA với loài tinh tinh, và họ hàng gần của nó: tinh tinh lùn.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt giữa chúng ta và họ hàng của mình?
- Cách đây khoảng 4 triệu năm, tổ tiên của loài người bắt đầu đi chủ yếu bằng 2 chân, giải phóng chi trước để làm việc khác, quan trọng nhất là sử dụng được công cụ.
- Cách đây khoảng 3 triệu năm, chúng tiến hoá từ từ loài ăn thực vật (herbivore) sang ăn tạp (omnivore), cho phép chúng có thể tồn tại trong nhiều điều kiện khắc nghiệt khi thiếu thức ăn.
- Cuối cùng, cách đây khoảng 2.5 triệu năm, khi Homo habilis bắt đầu sử dụng công cụ thường xuyên.
Tuy nhiên, trong hàng triệu năm sau đó, không có mấy thay đổi, ngoại trừ việc bắt đầu sử dụng lửa của Homo erectus cách đây khoảng 1 triệu năm. Trong hầu hết lịch sử tiến hoá, chúng ta vẫn chỉ là những con tinh tinh biết sử dụng công cụ, không phải là những thợ săn lành nghề như hình dung của mọi người.
Bước Nhảy Vọt
Mặc dù Homo sapiens xuất hiện cách đây 200-300.000 năm, nhưng chỉ có những bước nhảy vọt vào cách đây khoảng 40.000 năm: có nhiều công cụ tinh tế hơn hẳn, vũ khí để săn các loài thú lớn hơn, và hàng loạt các đồ trang sức cũng như tranh vẽ,…
Theo Jared Diamond, một giả thuyết khả thi nhất tạo tiền đề cho bước nhảy vọt này là khả năng phát âm vượt trội hơn các sinh vật khác, tiền đề của việc hình thành ngôn ngữ.
Trước đó, tiến hoá của loài người hoàn toàn phụ thuộc vào tiến hoá của gien. Nhưng giờ đây, nhờ vào ngôn ngữ, con người đã có thể tạo nên thay đổi mà không còn phụ thuộc vào gien nữa: trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm, phối hợp,…
Cách đây khoảng 60-80.000 năm, Homo sapiens bắt đầu di chuyển khỏi Châu Phi, mở rộng lãnh thổ khắp thế giới, điều chưa từng có trước đây. Quá trình này dẫn đến sự trỗi dậy của các nền văn minh khắp thể giới, đồng thời cũng phá huỷ hầu hết các hệ sinh thái nơi con người đặt chân đến.
Vòng Đời Kỳ Lạ
Bên cạnh ngôn ngữ, vòng đời của con người cũng có những biến đổi khác biệt so với các loài linh trưởng khác: thời gian nuôi dưỡng con cái, cách lựa chọn bạn tình, tần suất sinh hoạt tình dục, tắt kinh ở phụ nữ và tuổi thọ dài.
Trong thế giới động vật, con người có thời gian nuôi dưỡng con cái lâu nhất: hơn 15 năm. Do kích thước não bộ lớn, trẻ em được sinh ra trước khi não bộ hoàn thiện (nếu sinh quá trễ thì sẽ dẫn đến tử vong của người mẹ). Đồng thời, con người phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng công cụ để săn bắn, nên trẻ em cần có nhiều thời gian để học các kỹ năng này.
Thời gian nuôi dưỡng dài dẫn đến việc nuôi dưỡng trẻ phải cần đến cả mẹ lẫn bố, chứ không chỉ “gieo giống” như các loài linh trưởng khác, vốn công việc nuôi nấng chỉ do giống cái đảm nhận. Do vậy, nên phụ nữ khá khắc khe trong việc lựa chọn bạn tình so với các loài linh trưởng khác. Vì sinh con là một hoạt động rất mạo hiểm cho người mẹ, nên họ cần lựa chọn người có khả năng nuôi nấng và bảo vệ lâu dài cho cả hai.
Con người cũng khác với các động vật linh trưởng khác ở chế độ “hôn nhân”: sống tập trung theo nhóm, nhưng chủ yếu theo chế độ một vợ một chồng (tinh tinh theo chế độ nhiều vợ nhiều chồng, khỉ đột theo chế độ đa thê). Điều này dẫn đến một đặc tính khác của loài người: thời gian thụ thai không rõ ràng và sinh hoạt tình dục chỉ để thoả mãn chứ không đơn thuần là sinh con (khỉ đột chỉ quan hệ khi con cái có khả năng thụ thai, nên mặc dù đa thê, chúng chỉ quan hệ vài lần trong năm).
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ trẻ em ngoài giá thú ở US vào khoảng 5-30%, cho thấy một trong các chiến lược của đàn ông để tăng khả năng duy trì nòi giống là duy trì chế độ một vợ một chồng, đồng thời ngoại tình với người khác. Điều này thể hiện rõ nhất trong các luật pháp của xã hội cũ: các hình phạt ngoại tình chỉ nhắm vào nữ giới, còn nam giới không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, sách cũng đề cập đến cách con người chọn bạn tình và tại sao tiêu chuẩn cái đẹp của con người rất khác nhau về màu da, màu tóc, màu mắt,…
Có thể xem thêm quyển bên dưới để tìm hiểu sâu thêm về chủ đề này:
Ngôn Ngữ Nói
Nguồn gốc của ngôn ngữ là một lĩnh vực nghiên cứu rất khó, bởi không có nhiều bằng chứng cho thấy quá trình phát triển. Tất cả nghiên cứu đều là gián tiếp dựa trên bằng chứng khảo cổ, quá trình tiếp thu ngôn ngữ của trẻ, so sánh với các loài vật khác, sự khác nhau của các ngôn ngữ,…
Jared Diamond cho rằng đây là tiền đề cho Bước Nhảy Vọt của Homo sapiens, cách đây khoảng hơn 40.000 năm. Trước đó, các bằng chứng khảo cổ cho thấy các công cụ đều thô sơ như nhau trên khắp thế giới. Chỉ sau thời điểm này, các công cụ mới bắt đầu đa dạng hoá và loài người bắt đầu di cư khắp nơi trên thế giới.
Các nghiên cứu trên tinh tinh cho thấy chúng có khả năng học được hàng trăm từ, cũng như giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính. Tuy nhiên, chúng không thể phát âm được do giới hạn về cấu trúc thanh quản. Đồng thời chúng cũng dừng lại ở mức từ ngữ.
Từ ngữ của con người phát triển hơn nhiều so với động vật ở khả năng kết hợp một số âm vị giới hạn để tạo ra vô số từ. Tiếp đến, nghiên cứu ngôn ngữ của các xã hội nguyên thuỷ còn tồn tại ngày nay cho thấy chúng cũng phức tạp không kém các ngôn ngữ hiện đại. Đặc biệt sự hình thành ngôn ngữ mới khi có sự giao tiếp giữa hai nền văn minh cũng cho thấy chỉ mất vài thế hệ để có một ngôn ngữ mới.
Nghệ Thuật
Nếu bạn không biết bowerbird , chắc bạn nhầm tổ của chúng với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của một nghệ sĩ nào đó. Tuy nhiên, chim trống xây những công trình như thế chỉ để thu hút chim mái.
Việc xây dựng một cái tổ như thế thể hiện khả năng của con trống: khéo léo (đan tổ), khoẻ mạnh (có thể thu thập nhiều thứ, và bảo vệ chúng khỏi bị ăn cắp), thị giác tốt (có thể phân biệt các vật thể màu sắc khác nhau),… Hay nói cách khác, chúng thể hiện gien tốt của một con trống, và chim mái chỉ cần chọn cái tổ có nhiều đặc tính tốt để giao phối.
Ở New Guinea, nghệ thuật là một cách để thể hiện sự giàu có vì các pho tượng cần phải có tài năng hoặc nhiều tiền mới mua được. Điều này cũng tương tự với xã hội hiện đại: nhẫn kim cương, tranh nghệ thuật đắt tiền,…
Nông Nghiệp
Trong hầu hết lịch sử, con người sống chủ yếu bằng săn bắt và hái lượm, di cư thường xuyên từ nơi này đến nơi khác. Điều này đã thay đổi cách đây ~10.000 năm, khi con người bắt đầu định cư và nuôi trồng.
Nông nghiệp có thể xem như một con dao hai lưỡi của lịch sử loài người. Một mặt, nó cho phép con người có thể sản xuất nhiều lương thực hơn cần thiết để dự trữ, cho phép tăng dân số nhanh hơn, dẫn đến sự phát triển của các nền văn minh. Mặt khác, nó dẫn đến nhiều hệ quả khác:
- chế độ dinh dưỡng nghèo nàn do chỉ ăn một vài loại thực phẩm (chiều cao trung bình giảm sau khi chuyển sang nông nghiệp)
- dân số tăng quá nhanh, khiến đất đai không thể phục hồi kịp (dẫn đến sự sụp đổ của nhiều nền văn minh)
- nhiều loại bệnh tật chỉ xuất hiện khi mật độ dân cư quá đông: lao phổi, dịch tả, đậu mùa, dịch hạch,…
- sự phân cấp giàu nghèo do việc tập trung nguồn lực (đất) vào một số người
Sự xuất hiện của nông nghiệp đã tạo một bước ngoặc không thể thay đổi được trong lịch sử: khi phải chọn giữa việc giới hạn tăng trưởng hoặc sản xuất nhiều lương thực hơn, chúng ta đã chọn giải pháp sau và các hậu quả của nó: dân số tăng quá mức, nạn đói, chiến tranh.
Chinh Phục Thế Giới
Nhờ vào ngôn ngữ và công cụ, cách đây khoảng 60-80.000 năm, Homo sapiens bắt đầu di chuyển khỏi Châu Phi, mở rộng lãnh thổ khắp thế giới, điều chưa từng xảy ra trước đây. Quá trình này dẫn đến sự trỗi dậy của các nền văn minh khắp thể giới, đồng thời cũng phá huỷ hầu hết các hệ sinh thái nơi con người đặt chân đến.
Sự đa dạng này chỉ còn ở một số nơi trên thế giới, điển hình là Papua New Guinea . Mặc dù dân số chỉ khoảng 9 triệu người, nơi đây có hơn 850 ngôn ngữ khác nhau (12% ngôn ngữ trên toàn thế giới), rất nhiều trong số chúng không liên quan gì đến nhau. Mỗi bộ lạc có một phong tục tập quán hoàn toàn khác nhau, và hầu như không xâm phạm lãnh thổ của nhau, thậm chí không biết về sự hiện diện của người khác.
Chúng tôi chưa từng đi xa. Chúng tôi chỉ ở phía bên này của rặng núi. Và chúng tôi nghĩ rằng mình là những người duy nhất.
Lời kể của một cư dân cao nguyên New Guinea
Tập quán của các bộ lạc Papua New Guinea cho thấy tâm lý bài ngoại (xenophobia) là một phần đặc tính của loài người, chịu ảnh hưởng bởi cả yếu tố gien VÀ văn hoá. Tâm lý “chúng ta” vs. “bọn chúng” là tiền đề cho tất cả các cuộc chiến tranh, diệt chủng (cả người và động vật), thảm sát của loài người, điều chưa từng xảy ra đối với thế giới động vật.
Tuy nhiên, sự đa dạng này đã phần lớn bị xoá bỏ trong khoảng 5.000 năm gần đây, do sự trỗi dậy của các đế quốc trong quá khứ, cũng như chủ nghĩa thực dân từ thế kỷ 16. Có thể thấy rõ nét nhất ở Châu Âu, chỉ có khoảng 50 ngôn ngữ, tất cả đều chung một nguồn gốc Indo-European.
Tình Cờ Chinh Phục
Jared Diamond cho rằng sở dĩ châu Âu chinh phục các châu lục khác mà không phải ngược lại là do điều kiện địa lý, tiến bộ về công nghệ (tàu và súng), có nhiều căn bệnh chết người (đậu mùa, dịch tả).
Cách đây 4.000 năm, Eurasia đã có 5 loại vật nuôi vẫn chiếm ưu thế ngày nay: cừu, dê, heo, bò và ngựa. Chúng giúp cung cấp thực phẩm, quần áo, sức lao động và đặc biệt là ngựa, không thể thiếu được trong chiến tranh.
Trong khi đó, các châu lục khác không dễ dàng thuần hoá các động vật hoang dã: bò tót, dê núi, kangaroo,… Và những động vật lớn có thể thuần hoá được hầu như đã tuyệt chủng trước đó khi con người lần đầu tiên đặt chân đến các châu lục này.
Khả năng chuyển sang nông nghiệp giúp các quốc gia Eurasia xây dựng nên các nền văn minh. Sự tập trung về dân số khiến phát sinh những bệnh tật mà các nền văn minh ở châu lục khác không có. Chúng góp phần vào công cuộc chinh phục các châu lục khác vì họ không có khả năng đề kháng các căn bệnh này.
Có thể xem thêm quyển bên dưới để tìm hiểu sâu thêm về chủ đề này: