Năm 1944, Edith Eger, một vũ công ba-lê tài năng mười sáu tuổi, bị đưa vào trại Auschwitz cùng với cha mẹ cô và chị của mình. Cha và mẹ cô bị đưa ngay vào phòng hơi ngạt khi vừa xuống tàu, cùng chung số phận với hơn 430,000 người Do Thái Hungary khác.
Chỉ vài giờ sau, cô buộc phải múa ba-lê để mua vui cho Josef Mengele , người được mệnh danh Thiên Thần Cái Chết, và được hắn thưởng cho một ổ bánh mì. Cô chia sẻ phần thưởng ít ỏi của mình với các bạn cùng lán trại, mà không biết rằng, nhờ đó cô sẽ được cứu sống về sau.
Edie và chị của mình, Madga đã cùng nhau sống sót qua nhiều trại tập trung khác nhau. Khi được giải phóng khỏi trại Gunskirchen năm 1945 bởi Lữ đoàn Bộ binh 71 (Hoa Kỳ) , cô và chị mình nằm dưới một đống xác, thậm chí không đủ sức để mở mắt khi nghe binh lính gọi tìm người sống sót.
Khi đến trại, Viktor Frankl đã là một bác sĩ trị liệu tâm lý nhiều năm kinh nghiệm, nên cái nhìn của ông mang tính quan sát nhiều hơn. Với Edith Eger, một cô gái đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thể thao, hơn 1 năm ở trại tập trung đã để lại những tổn thương sâu sắc mà cô luôn cố chôn dấu vĩnh viễn.
Mãi đến năm 1966, lần đầu tiên cô biết đến Man’s Search for Meaning khi bắt đầu đến trường đại học và viết một bài luận ngắn về nó. Hai năm sau, Viktor Frankl viết thư cho cô, giúp cô bắt đầu hành trình hàn gắn những vết thương chôn chặt trong lòng hàng chục năm qua.
Bà viết quyển sách này khi đã 90 tuổi, mô tả hành trình hàn gắn quá khứ của mình, với vô số các câu chuyện đan xen giữa kinh nghiệm của mình và nhiều bệnh nhân bà điều trị.
My precious, you can choose to be free.