Trước khi đọc quyển này, mình đã đọc quyển Moonwalking with Einstein, nên khi đọc xong mình có phần thất vọng.
Mua quyển này để ủng hộ hàng Việt Nam, chỉ tiếc là chất lượng nội dung không cao. Ấn tượng đầu tiên là hình thức trình bày rất chăm chút, trang giấy kẻ line như tập học sinh, chất lượng giấy bóng, đẹp quá mức cần thiết.
Có lẽ vì vậy mà giá sách đến 139,000 đ, cái này là bán giấy chứ không phải bán chữ. Nhưng mình chỉ đánh giá về nội dung, không quan tâm mấy đến hình thức vì đây không phải là sách artworks.
Sách tập trung vào các kỹ thuật và ví dụ thực hành mà chỉ lướt qua các phần kiến thức nền tảng của phương pháp rèn luyện trí nhớ. Đồng thời các thông tin chưa hoàn toàn chính xác, có thể do tác giả muốn giản lược quá mức.
Dẫu vậy, dù là loại hình trí nhớ nào thì cũng đều rơi vào hai khả năng ghi nhớ sau:
- Trí Nhớ Ngắn Hạn, vài giây đến vài tuần
- Trí Nhớ Dài Hạn, rất lâu đến vĩnh viễn
Bỏ qua episodic memory (trí nhớ sự kiện, trung hạn, vốn là nền tảng cho phương pháp lâu đài trí nhớ) và procedure memory (trí nhớ cơ học, dài hạn, là nền tảng cho các hoạt động lặp đi lặp lại như đạp xe, đánh đàn, các môn thể thao)
Điểm mạnh của sách là có những phương pháp mã hoá cụ thể cho từng loại thông tin cần nhớ: 2 chữ số, 3 chữ số, QR code, lá bài,…; các quy tắc đặt vật thể vào cung điện ký ức: không quá 5 vật thể/phòng, 20-30 vật thể trong một cung điện…
Tuy nhiên, các phương pháp này rất cũ, hầu như không vận động viên thi đấu cấp quốc tế nào sử dụng cả.
Cung điện Ký ức
Cách đây 2,000 năm, các học giả đã nghĩ ra một phương pháp để nhớ, được đề cập đến trong quyển Rhetorica ad Herennium : cung điện ký ức .
Các vận động viên trí nhớ đều sử dụng chung nguyên tắc đề cập bên trên:
- Mã hoá thông tin thành hình ảnh: ai mã hoá càng nhiều thông tin vào một đối tượng càng có ưu thế. Hình ảnh càng kỳ lạ càng dễ nhớ.
- Đặt thông tin đã mã hoá vào cung điện ký ức: phương pháp này tận dụng khả năng nhớ vị trí của đồi hải mã, vốn có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi ký ức ngắn hạn thành trung hạn. Các tuyển thủ phải thu thập rất nhiều “cung điện” để có thể đặt các hình ảnh vào đó. Đồng thời phải “dọn dẹp” chúng trước khi thi đấu để không bị nhầm lẫn.
Mặc dù nguyên tắc đơn giản, nhưng bạn cần phải đầu tư rất nhiều công sức: mã hoá thông tin thành hình ảnh & thu thập cung điện ký ức.
Mã hoá PAO
Phương pháp mã hoá để nhớ lá bài trong sách khá đơn giản: mã hoá từng lá bài. Tuy nhiên, các vận động viên quốc tế cần có các phương pháp hiệu quả hơn.
Phương pháp mã hoá PAO (Person – Action – Object) sẽ liên kết 1 con số từ 00-99 với một hình ảnh độc nhất. Phương pháp này cũng có thể dùng để nhớ lá bài hoặc số nhị phân.
- 01: Einstein (P) Ăn (A) Hamburger (O)
- 32: Obama (P) Đánh (A) Golf (O)
- 55: Ngọc Trinh (P) Cỡi (A) Ngựa (O)
Một hình ảnh sẽ cho phép mã hoá 6 con số cùng lúc, tuỳ theo vị trí mà sẽ có hình ảnh phối hợp tương ứng với P+A+O.
- 013255: Einstein Đánh Con Ngựa
- 550132: Ngọc Trinh Ăn Quả banh Golf
- 325501: Obama Cỡi Hamburger
Vận động viên sẽ phải nghĩ ra 100 nhân vật + 100 hành động + 100 đối tượng không trùng lắp nhau, để đảm bảo khi phối hợp sẽ không có chuyện nhầm lẫn.
Tại sao phải nhớ?
Quên đi các sự kiện không quan trọng là tính năng của não bộ, không phải lỗi. Để nhớ các thông tin quan trọng, bạn cần liên kết chúng với những cái có ý nghĩa với mình và lặp lại thường xuyên (spaced repetition ).
Bộ não của người chúng ta tiến hoá để nhớ vị trí của cây ăn quả, hang thú dữ, con mồi. Chúng không được thiết kế để nhớ các con số vô nghĩa, các khái niệm trừu tượng, các bài thơ dài 12,000 câu,…
Tại sao bạn cần phải nhớ các thông tin vô nghĩa: số điện thoại, danh sách mua sắm, ngày khởi nghĩa, số tài khoản ngân hàng?
Trừ phi bạn có ý định đi thi, các phương pháp này không có giá trị thực tế mấy so với thời gian bỏ ra để luyện tập. (3-4 giờ/ngày trong 6 tháng, nếu là giải vô địch thế giới)
Tôi hiểu tại sao anh không muốn tiếp tục thi đấu. Vì sẽ tốn rất nhiều thời gian luyện tập, dùng thời gian đó làm chuyện khác hay hơn.
Gunther Karsten, 7 lần vô địch ĐứcNếu bạn muốn tìm hiểu về phương pháp này, có thể tìm đọc các quyển bên dưới.
Moonwalking with Einstein: hành trình của Joshua Foer, phóng viên tạp chí New York Times, trên con đường trở thành nhà vô địch Trí Nhớ Mỹ 2006 sau một năm luyện tập.
Không phải phương pháp này vô dụng. Tôi là bằng chứng sống là phương pháp này có tác dụng. Vấn đề là hiếm khi nào tôi cần đến chúng trong thế giới ngày nay, khi mà có giấy bút, máy tính, điện thoại,… nhớ giúp tôi.
Joshua Foer – U.S.A Memory Champion 2006